Theo số liệu của Tổng cục Thống Kê, trong tháng 5/2020, sản xuất nông nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vụ lúa Đông - Xuân năm nay, cả nước gieo cấy được 3.025,5 nghìn ha, giảm 98,7 nghìn ha; sản lượng cũng giảm so với cùng kỳ (chỉ riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính vụ Đông - Xuân năm nay giảm 346,9 nghìn tấn so với năm ngoái). Trong chăn nuôi, tổng đàn trâu cả nước giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn lợn giảm 6,2%…
Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) NLTS trong 5 tháng đầu năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 5 tháng, tổng kim ngạch XNK hàng NLTS ước đạt gần 27,6 tỷ USD; trong đó XK ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019...
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, sang tháng 6, dự kiến tình hình thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến khó lường; việc tiêu thụ nông sản, nhất là XK, sẽ tốt hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc tìm các giải pháp ứng phó để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ đang được Bộ NN&PTNT ưu tiên hàng đầu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cùng với việc phục hồi hoạt động sản xuất, toàn ngành phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để tiêu thụ; trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động XK; với từng lĩnh vực sẽ có những giải pháp cụ thể để kích thích sản xuất, tiêu thụ.
“Chẳng hạn như đối với lĩnh vực trồng trọt, Bộ tiếp tục nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ XK như: Thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng để chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng này phù hợp với thị trường tiêu thụ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm chân trắng, cá tra và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT tập trung đẩy mạnh chế biến và phát triển thị trường bằng cách phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước để cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh lương thực và duy trì XK nông sản; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Các đơn vị phải thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó. Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho XK nông sản, thủy sản trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.