Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan rộng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Giá trị nhập khẩu gỗ và nông sản giảm mạnh, với 19,2% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm trên 20% so với tháng 3 năm 2020. Giá trị nhập khẩu gỗ và lâm sản trong 3 tháng đầu năm cũng giảm 8,6%. Cả nước ước tính có khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị hủy hoặc thông báo chậm giao; hàng ngàn container hàng bị tồn ở các cảng biển châu Âu, Hoa Kỳ...
Mặc dù bị tác động nặng nề do bệnh dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm nhưng theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được khống chế sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh và các hoạt động thương mại nên các doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp khó khăn khi cung cấp các sản phẩm nội thất đang được thị trường ưu chuộng. Đây sẽ là cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Hội nghị các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến bàn giải pháp để khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau bệnh dịch Covid-19. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản Việt Nam, các hiệp hội cần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mạnh dạn tái cấu trúc, thay đổi công nghệ để nâng cao năng lực quản trị; Xây dựng chuỗi cung ứng trong nước thay thế nguyên liệu phụ liệp nhập khẩu, hạn chế phụ thuộc và nước ngoài, tích cực phối hợp với các nhà chế tạo cơ khí sản xuất những thiết bị phù hợp với công nghệ sản phẩm....
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Các hiệp hội và doanh nghiệp cần tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát chiến lược kinh doanh của mình để chuẩn bị phương án tốt nhất, tập trung tái cơ cấu ngành hàng, đảm bảo nguồn lao động. Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách tín dụng tài chính phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn về tài chính và người lao động.... Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, xây dựng các chương trình dự án chế biến sản xuất, chế biến sâu, quy mô lớn, tăng sức cạnh tranh, tạo uy tín thương hiệu của ngành chế biến gỗ Việt Nam.