Nở rộ nghề bóc gỗ
Trên Quốc lộ 70, đoạn qua các huyện Yên Bình, Lục Yên (tỉnh Yên Bái), chúng tôi nhìn thấy những ván gỗ mỏng trải dài dọc đường đi. Bên cạnh đó là hình ảnh những người phụ nữ đang mải mê với những ván gỗ phơi.
Bà Vi Thị Hà, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên chia sẻ, công việc bóc gỗ này gồm nhiều công đoạn. Từ các cây gỗ trồng như keo, dầu, tràm… được những thanh niên khỏe mạnh vận chuyển đến các xưởng chế biến. Tại đây, người dân sử dụng máy để bóc gỗ thành những ván mỏng. Sau đó, ván sẽ được mang đi phơi. Công đoạn phơi không đòi hỏi nhiều sức lực, do đó công việc này chủ yếu dành cho phụ nữ và người lớn tuổi.
Không chỉ tận dụng được nhiều công lao động, nghề bóc gỗ trên địa bàn đang góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ông Nông Tiến Quang, chủ của một xưởng sản xuất gỗ bóc ở Lục Yên cho biết, trước những năm 90, khi đó rừng còn nhiều, ông chủ yếu sống bằng nghề khai thác rừng tự nhiên. Nhưng sau đó, rừng ngày càng nghèo kiệt, Nhà nước cũng không cho người dân vào chặt phá rừng, gia đình ông mất một quãng thời gian loay hoay chưa biết làm việc gì. Đến những năm 2000, sau khi được chính quyền tuyên truyền vận động, ông đã mạnh dạn chuyển sang chế biến gỗ. Theo đó, xưởng của ông hiện nay có từ 15-20 người chuyên bóc gỗ. Doanh thu mỗi năm của gia đình ông lên tới 200-300 triệu đồng tiền lãi.
Ông Nguyễn Phúc Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, với trên 460 ngàn ha đất có rừng, Yên Bái thuộc tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tận dụng được lợi thế này, Yên Bái đã bước đầu hình thành được vùng sản xuất tập trung với trên 100.000ha rừng trồng nguyên liệu tập trung ở một số huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình.
Cùng với việc phát triển trồng rừng, công nghiệp chế biến gỗ cũng phát triển mạnh. Hiện nay, Yên Bái có trên 400 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, mỗi năm khai thác và tiêu thụ trên 450.000m3 gỗ. Tổng doanh thu hằng năm từ chế biến gỗ đạt hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Kinh tế đồi rừng đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và trở thành nguồn thu chính cho bà con nông dân.
Các cơ sở chế biến sản phẩm từ gỗ rừng trồng chủ yếu như: ván ép, ván ghép thanh, ván dăm, đũa gỗ xuất khẩu bán sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapo... Các sản phẩm như ván bóc, ván xẻ thanh, ván ô kan và các loại đồ mộc nội thất văn phòng, bán chủ yếu ở thị trường trong nước gồm các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng và Bình Dương.
Cần có định hướng
Mặc dù ngành chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển, tuy nhiên, công nghệ chế biến còn đơn giản, chủ yếu các doanh nghiệp mua máy xẻ, nhất là máy bóc, mỗi chiếc vài chục triệu đồng của Trung Quốc về làm. Một số ít mạnh dạn đầu tư máy ép ván, ghép thanh… nhưng do vốn ít nên cũng chỉ là những dây chuyền sản xuất chất lượng thấp, công nghệ chưa hoàn thiện nên sản phẩm làm ra cũng vẫn ở dạng làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Công thương Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển chế biến gỗ rừng trồng giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến gỗ rừng trồng đạt trên 1.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm đạt 4,7%/năm.
Để đạt được mục tiêu này, hiện nay, Yên Bái thực hiện đẩy nhanh việc đổi mới công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá trị lớn, tiết kiệm được nguyên liệu. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang tiến hành tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới; đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ chế biến và đội ngũ công nhân có tay nghề cao.
THIÊN ĐỨC