Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch mang tên Covid-19 gây ra”. Hiếm có một biến cố y tế nào có tác động đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ như đại dịch Covid-19. Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.
Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đưa ra 6 lời đề nghị. Một là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ. Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau. Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Thứ tư là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội. Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau. Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.
Nhắc lại dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đang đặt ra một tầm nhìn rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh không làm chúng ta thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này.
Hội nghị đã nghe Báo cáo về tác động của dịch Covid-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Báo cáo tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá các cơ hội và triển vọng phục hồi của các ngành, lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh mới ở thời kỳ trước, trong và sau dịch Covid-19. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình hoạt động, tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và nâng cao năng lực quản trị để phát huy các sở trường, thế mạnh, không chỉ nhằm thích ứng với hoàn cảnh và ứng phó linh hoạt với dịch bệnh mà còn tận dụng thời cơ để bứt phá, vươn lên hướng tới sự phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ hơn cho nền kinh tế.
Hội nghị đã ghi nhận và tổng kết các sáng kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và người dân về các giải pháp cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, để qua đó nghiên cứu ban hành Kế hoạch hành động hoặc nghị quyết của Chính phủ nhằm tái khởi động nền kinh tế.