Có một kỷ niệm về nội vào mỗi dịp mùa xuân hàng năm mà tôi không thể quên, đó là nội thường hái hoa bưởi mang về để ướp trà. Năm nào cũng thế, khi vừa ăn tết xong, cành đào hoa trên bàn thờ còn chưa nhạt màu phai sắc, mùi của những chiếc bánh chưng sót lại còn quẩn quanh nơi bếp, thì nội đã mang chiếc rổ nan tre tất tưởi ra vườn phía sau nhà để hái những chùm hoa bưởi đang độ chúm chím mang vào ướp trà. Nếu hôm nào tôi không phải tới trường thì tôi sẽ được nội cho đi theo ra vườn để phụ giúp hái hoa bưởi. Tôi thích nhất cái cảm giác vô cùng khoan khoái, thích thú, đó là đặt cả chùm hoa bưởi trắng ngần, tỏa hương thơm ngào ngạt vào mũi để hít hà thật sâu.
Mỗi dịp hoa bưởi nở, nội tôi chỉ ướp khoảng 5 kg trà. Số trà này ngoài việc dùng để uống dần cả năm thì nội tôi cũng luôn dành ra một ít để làm quà biếu bạn bè, người thân. Với khoảng trà mang ướp đó, thường nội chỉ ra vườn hái hoa bưởi một lần mỗi năm, và chỉ đầy chiếc rổ đựng hoa bưởi là đủ ướp.
Để ướp được sản phẩm trà hoa bưởi, thoạt nhìn tưởng dễ, nhưng nó rất cầu kỳ, nhiều công đoạn, chưa kể phần chọn trà, hoa bưởi sao cho phải đạt “chuẩn” thì thành phẩm trà lúc chế biến xong mới ngon, hương mới đượm, màu nước trà rót ra mới đẹp. Ngoài việc hoa bưởi chọn để ướp là các chùm mới nở chím chím ra, thì trà mang ướp cũng phải là trà búp non của vùng đất Tân Cương (Thái Nguyên) thơm ngon nức tiếng. Khi những bông bưởi được tách các cánh hoa ra, nội tôi chỉ mang ướp trà cùng phần cánh trắng ngần như ngọc. Còn phần nhụy vàng phía trong của bông hoa bưởi nội không dùng tới mà mang nấu nước để tắm, để gội đầu cho thơm tho, mượt tóc. Theo như nội nói thì nếu mang ướp cả phần nhụy vàng của bông hoa bưởi, trà sau đó sẽ bị ẩm ướt, thối nhũn trong quá trình ủ ướp, đặc biệt là khi pha nước sẽ có màu đỏ đục, không còn xanh nước, ngon mắt như nguyên bản của trà búp.
Những bận ông nội làm công đoạn ướp trà, tôi chỉ có thể phụ việc tách cánh hoa, lau sạch chiếc hũ sành lớn, còn mọi việc nội đảm nhận hết. Khi cánh bưởi được tách hết, nội rải một lớp cánh hoa xuống đáy hũ sành, tiếp sau là một lớp trà. Cứ như vậy lần lượt xen kẽ cho tới khi hết trà, hũ đầy thì thôi. Lớp trên cùng của hũ sành bao giờ nội cũng không quên phủ dày một lớp cánh bông bưởi, rồi sau đó mới phủ nilon, đậy nắp lại cho kín.
Hũ sành chứa trà ướp cánh hoa bưởi đó được đặt trong chỗ mát đủ 7 ngày cho trà “ngậm” hương thơm thật đượm, thật… sâu, sau đó nội mới mang ra sàng lọc tách cánh hoa bưởi và trà ra riêng. Lúc này, trà được nội mang sao khô trong chiếc chảo gang lớn. Công đoạn sao trà là cũng rất quan trọng, bởi luôn phải để lửa cháy liu riu, làm sao đáy chảo chỉ đủ nóng già cho hơi ẩm trong trà bay đi dần dần, chứ nếu lửa lớn nó sẽ làm trà bị cháy, khét… Trà sau khi sấy khô, để nguội, phần để nhà uống dần quanh năm thì nội cất vào mấy cái hũ sành loại nhỏ, còn phần làm quà biếu được nội bao buộc cẩn thận trong những chiếc túi ni lon cho khỏi bị ẩm.
Sau khoảng thời gian nội mất, cha tôi là người “nối nghiệp” công việc ướp trà hoa bưởi. Bởi vậy mà dù có thiếu vắng hình bóng của nội nhưng lúc nào trong nhà tôi cũng vẫn luôn có sẵn những hũ trà hoa bưởi để uống dần, để thết đãi khách. Đặc biệt là những dịp giỗ chạp, tết nhất không bao giờ trên bàn thờ nhà tôi lại có thể thiếu được tách trà hương bưởi ấm nóng, thơm ngào ngạt dâng cúng nội…