Những năm 60 của thế kỷ trước, cây chè bắt đầu bén rễ với mảnh đất Phổng Lái. Chè trồng trên đất Phổng Lái thơm, ngon, nước xanh tự nhiên, vị chát dịu ngọt, tạo được thương hiệu đối với khách hàng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhờ đó năm 2018, cây chè Phổng Lái được công nhận nhãn hiệu tập thể “Thương hiệu chè Phổng Lái, Thuận Châu”.
Anh Nguyễn Văn Báu, Bí thư xã Phổng Lái cho biết: Sau khi chè Phổng Lái được công nhận nhãn hiệu tập thể, chính quyền địa phương đã vận động cá nhân, doanh nghiệp liên kết, thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá ổn định; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt trong khâu chế biến, hướng tới xây dựng thành công thương hiệu “Chè Phổng Lái, Thuận Châu” để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Hiện, trên địa bàn xã Phổng Lái đã mở rộng sản xuất với gần 700ha chè, tạo thu nhập cho trên 2.000 lao động với hơn 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè.
Chị Lường Thị Phòng, bản Quỳnh Châu II cho biết: “Gia đình tôi trồng chè từ năm 2008, với 5.000m2 chè của gia đình, mỗi tháng hái 2 lần; mỗi lần 7 - 8 tạ búp chè tươi, bán với giá 8.000 đồng/kg, gia đình thu về từ 5 - 6 triệu đồng/lần hái. So với trồng ngô, sắn, hiệu quả hơn nhiều và cây chè cho thu nhập ổn định hơn”.
Để phát huy tiềm năng và thế mạnh, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người trồng chè ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Vận động các doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh chè đã tham gia hợp tác, đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại, có khả năng sản xuất các loại chè cao cấp, chất lượng cao. Nhờ sự hợp tác này, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chè đã được nâng lên rõ rệt; năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha; đến nay, đã có hàng nghìn tấn chè thành phẩm của Phổng Lái được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc với giá dao động 90 - 150 nghìn/kg.
Đặc biệt, từ cây chè đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Chị Lường Thị Phòng, bản Quỳnh Châu II cho biết: Tranh thủ lúc nông nhàn, chị đến hái chè thuê cho Công ty, thu nhập 150 - 200 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, nhiều lao động có thể tham gia chăm sóc cây chè, làm cỏ, bón phân cho cây…với thu nhập 200.000 đồng/ngày.