Chắt chiu từng cơ hội
Theo Bản tin phòng chống dịch Covid - 19 của Bộ Y tế, tính đến ngày 19/11/2022, tổng số liều vắc xin đã được tiêm đạt hơn 263,256 triệu liều. Trong đó, mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) là hơn 51,4 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) là gần 16,75 triệu liều. Còn tại thời điểm cuối ngày 31/12/2021, tổng số liều vaccine đã được tiêm trên toàn quốc là gần 151 triệu liều; trong đó tiêm mũi 1 là hơn 77,55 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 68,5 triệu liều, tiêm mũi 3 là gần 5 triệu liều.
Đối với một nước đang phát triển, chưa chủ động được nguồn vắc xin trong nước như Việt Nam thì việc huy động một lượng lớn vắc xin để tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô chưa từng có là một điều không hề dễ. Nhưng chúng ta đã làm được, thông qua con đường ngoại giao vắn xin; với quyết tâm bảo vệ bằng được sức khỏe, tính mạng Nhân dân, đáp ứng đủ điều kiện để mở cửa, phục hồi kinh tế.
Nhìn lại thời điểm đầu năm 2021 để thấy, không chỉ với Việt Nam mà vấn đề tiếp cận vắc xin ngừa Covid - 19 trên toàn cầu là vô cùng khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nếu như thế giới cần 11 tỷ liều để đạt được trạng thái gần như miễn dịch cộng đồng thì năng lực sản xuất lúc đó mới chỉ được khoảng 4,5 ty liều. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cơ chế Covax, nhưng cơ chế này chưa đạt được hiệu quả như dự kiến. Năm 2021, Covax chỉ có thể cung cấp vaccine Covid - 19 cho không quá 20% dân số ở các nước nghèo, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Tình trạng khan hiếm vắc xin ngừa Covid - 19 đặt ra với tất cả các nước. Trước yêu cầu cấp bách về phòng chống đại dịch Covid - 19, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin. Tổ công tác của Chính phủ vì thế đã triển khai công tác vận động ngoại giao vắc xin hết sức khẩn trương.
Tiếp sau đó, hầu hết các cuộc làm việc đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề cập đến hợp tác về vắc xin cũng như tiếp cận nguồn vắc xin của các đối tác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc điện đàm với các nguyên thủ, nhà lãnh đạo nhiều quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam để vận động, tìm kiếm nguồn vắc xin.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 24/8/2022, Việt Nam đã tiếp nhận gần 253,1 triệu liều vắc xin phòng Covid - 19 (bao gồm các loại Moderna, Pfizer và AstraZeneca). Trước đó, từ tháng 3/2021 đến hết ngày 26/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 183 triệu liều vaccine, nhiều hơn mục tiêu 150 triệu liều mà Chính phủ đặt ra khi bắt tay triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.
Nhờ vậy, thông qua con đường ngoại giao, từ một nước tiếp cận vaccine Covid -19 chậm, tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, trở thành một nước có số lượng tiêm và tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn kế hoạch. Quan trọng hơn, đây là tiền đề để một nền kinh tế có độ mở cao nhất nhì khu vực như Việt Nam dần mở cửa trở lại.
Không bỏ ai lại phía sau
Từ kết quả ngoại giao vắc xin cho thấy rõ, đối với các nước đang phát triển, ngoại giao vaccine sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức…, nhưng quan trọng nhất là đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Ngay trong đại dịch, nhiều nước có khả năng tài chính nhưng không thể mua được vắc xin.
Số lượng vắc xin tiếp nhận được ngay trong thời điểm đỉnh dịch Covid – 19 cũng khẳng định vị thế của Việt Nam đối với các đối tác. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, liên quan đến lợi ích của nhiều nước... Điều đó khiến một số nước muốn hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong tiếp cận vaccine để nhanh chóng ổn định và phục hồi sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, cũng chính là bảo đảm lợi ích cho các đối tác.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga – Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” ngày 22/11/2022, trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới do Việt Nam đăng cai.
Hơn nữa, trong thời điểm đại dịch hoành hành, hầu như nước nào cũng có nhu cầu về vắc xin; nhất là các nước đang phát triển đều triển khai ngoại giao vắc xin một cách quyết liệt. Trong thời gian đầu, các nước cùng khó khăn, khan hiếm nguồn cung, nhiều nước đã đặt mua văc xin từ sớm nên đều đẩy mạnh vận động chính phủ và các đối tác sớm giao hàng. Áp lực chạy đua về thời gian để mang được vắc xin về Việt Nam sớm nhất, với số lượng nhiều nhất có thể là vô cùng lớn.
Ở chiều ngược lại, trên con đường ngoại giao vắc xin, hình ảnh một quốc gia Việt nam sẵn sàng “chia ngọt, sẻ bủi” với bạn bè quốc tế cũng rực sáng hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid - 19, Việt Nam đã tặng Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế trị giá hơn 7 tỷ đồng/nước; tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm, Myanmar 50 nghìn USD; tặng Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế giá trị 600 nghìn USD; tặng vật tư y tế cho các nước Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, với tổng trị giá 420 nghìn USD; đóng góp 100 nghìn USD vào Quỹ ASEAN ứng phó Covid - 19; 5 triệu USD vào Kho dự trữ vật tư y tế khu vực.
Nhiều nước như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Mexico, Nga, Cuba, Nhật Bản, Mỹ, Thụy Điển… cũng nhận được giúp đỡ của Việt Nam. Những hoạt động ngoại giao này của Việt Nam đã khẳng định mối quan hệ đối tác khăng khít, là thông điệp về sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, được quốc tế đánh giá cao và từ đó sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ khi Việt Nam cần.
Kết quả của ngoại giao vắc xin đã chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục. Đây cũng là thành quả của 35 năm Đổi mới đất nước, là kết tinh của nỗ lực nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Cùng với việc thần tốc, khẩn trương tiêm vắc xin để tạo lớp khiên vững chắc bảo vệ Nhân dân trước đại dịch thì Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương thực hiện các chính sách an sinh xã hội kịp thời. Những chính sách an sinh chưa từng có tiền lệ đã được ban hành, triển khai quyết liệt trên phạm vi cả nước là nhằm “dưỡng sức” để người dân, doanh nghiệp có nền tảng để phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau khi dịch cơ bản được khống chế, mở cửa nền kinh tế.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.