“Còn người là còn của”
Hơn một năm trước, ngày 1/10/2021, TP. Hồ Chí Minh, “tâm dịch” phía Nam của cả nước, chính thức gỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 3 tháng triển khai để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư. Khi đó, hàng triệu người dân Thành phố vỡ òa như trở lại những ngày đại thắng mùa Xuân 1975, non sông thu về một mối. Có lẽ, những ai sau một thời gian dài bị buộc phải hạn chế đi lại, việc kinh doanh ngừng trệ, trường học đóng cửa… mới cảm nhận sâu sắc được niềm vui vỡ òa đó.
Việc hạn chế một số quyền con người như quyền tự do đi lại, quyền về việc làm, quyền tự do kinh doanh… trong tình trạng khẩn cấp, tập trung phòng, chống dịch bệnh, với phương châm “như chống giặc” là hết sức cần thiết. Không chỉ cá nhân, mà trên phương diện quốc gia, Chính phủ cũng thực hiện đóng cửa biên giới với các nước; kiểm soát, cách ly bắt buộc với người nhập cảnh…
Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh triệt để đó tất yếu tác động nặng nề đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết thúc năm 2021, Covid - 19 đã kéo tăng trưởng của Việt Nam xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; một số địa phương có mức tăng trưởng âm. Khảo sát mức sống dân cư được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tháng 7/2022 cho thấy, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người/tháng giảm 1,1% so với năm 2020.
Nhưng chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để khống chế dịch bệnh, bảo vệ tính mạng cho Nhân dân. Trong văn hóa người Việt luôn tâm niệm: “Còn người, còn của”; khi tính mạng không giữ được thì mọi giá trị khác cũng trở nên vô nghĩa.
Không chỉ trong dịch bệnh, trong thiên tai, tinh thần “Vì Dân” luôn được đặt lên hàng đầu. Nhớ lại tháng 10/2020, hàng vạn chiến sĩ quân đội, công an dầm mình trong mưa bão để cứu dân đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sự hy sinh, về tinh thần phục vụ. Bão lũ qua đi, câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man – Phó tư lệnh quân khu 4 trước khi hy sinh trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn đọng mãi: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút. Dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả hy sinh”.
Đạo lý truyền thống của dân tộc được kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong “Tuyên ngôn Độc lập”, Người dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ để khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Như vậy, “quyền sống” đứng ở vị trí đầu tiên rồi mới đến “quyền tự do” và “quyền hạnh phúc”.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, trong đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời để bảo đảm quyền tối thượng của con người - quyền được sống. Đầu tiên là phòng lây nhiễm bệnh, kế đến là chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm bệnh. Trong khi ở nhiều nước phát triển, bệnh nhân Covid-19 phải trả tiền để được điều trị thì Việt Nam thực hiện chính sách điều trị miễn phí, bắt buộc.
Kế đó nữa là bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân. Những “cây ATM gạo”, “siêu thị hạnh phúc 0 đồng” xuất hiện khắp các địa phương để cung cấp miễn phí, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, quần áo, sách… cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Thêm vào đó, lòng nhân nghĩa, sự tận tâm, hết lòng của các bác sĩ Việt Nam đã lay động những bệnh nhân nước ngoài mắc Covid-19 được điều trị tại Việt Nam. Ví dụ điển hình là bệnh nhân số 91, phi công người Scotland, người đã nhiều lần được cứu khỏi tay tử thần; hay các bệnh nhân nước ngoài khác khi được phỏng vấn cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Việt Nam. Qua đó, Việt Nam đã bảo đảm tính mạng, quyền được sống không chỉ của công dân Việt Nam, mà giúp đỡ các quốc gia khác thực hiện trách nhiệm tương tự với công dân của họ.
Lợi ích cá nhân gắn lợi ích cộng đồng
Nỗ lực bảo đảm quyền tối thượng của con người đó đã đập tan luận điệu vu khống của các thế lực thù địch cho rằng, Việt Nam vi phạm quyền con người khi hạn chế quyền tự do đi lại, quyền kinh doanh… Bởi thế, đâu đó người ta vẫn cổ vũ cho quyền tự do cá nhân, tự do xuống đường; nhưng trong đại dịch, thứ tự do đó lại vô tình trở thành tác nhân gia tăng số người mắc và tử vong vì Covid-19.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Tuyên giáo tháng 11/2021, Ts. Lê Hải Bình Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại Trung ương, khẳng định, trên nền tảng chủ nghĩa biện chứng duy vật, Đảng ta xác định đúng đắn mối quan hệ giữa người dân và quốc gia - dân tộc, giữa cá nhân và tập thể, giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Trong các mối quan hệ đó, tùy vào điều kiện lịch sử, phát triển, đặc thù của bối cảnh mà có biện pháp cân đối phù hợp.
“Rõ ràng, trong điều kiện đại dịch, một điều kiện đặc biệt và ngặt nghèo chưa từng có, phần nào có thể so sánh với chiến tranh, việc cá nhân tôn trọng tập thể, mỗi người dân vì lợi ích chung của đất nước, việc hy sinh quyền lợi và nâng cao nghĩa vụ công dân, là điều kiện tối quan trọng để thống nhất ý chí, tập hợp lực lượng, quy tụ sức mạnh toàn dân. Trên thực tế, việc tôn trọng cái chung, hy sinh quyền lợi riêng lại mang đến hệ quả là người dân Việt Nam vẫn được hưởng quyền con người cơ bản một cách rất đặc thù, nổi bật trong một thế giới đầy những hạn chế, cách ly và phong tỏa”, bài viết của Ts. Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Nhìn lại để thấy, đại dịch Covid-19 đã đặt việc sinh tử, tồn vong của mỗi cá nhân vào một tình huống khẩn cấp. Trong bối cảnh đặc thù đó, việc chăm lo cho hàng triệu con người, từ sức khỏe đến sinh kế, từ vắc xin đến sản xuất kinh doanh… đã được Đảng, Nhà nước ta triển khai thực hiện bằng những giải pháp đặc biệt, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
Quyền con người được Đảng, Nhà nước ta đặt lên hàng đầu là quan điểm nhất quán, được thực thi bằng hệ thống chính sách thường xuyên, liên tục. Rõ ràng nhất trong việc bảo đảm quyền con người là kết quả xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người tàn tật, người có công với cách mạng; hay các chính sách quốc gia nâng cao chất lượng đời sống như chương trình nông thôn mới; chương trình xóa mù chữ vùng cao, vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống,... đều nhằm thúc đẩy và nâng cao đời sống, bảo đảm quyền sống của người dân.
Đặc biệt, với quan điểm nhất quán về các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành, thực thi hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện để phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào DTTS. Những thành tựu phát triển trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay là một minh chứng.
Không chỉ nỗ lực cao nhất để bảo đảm quyền tối thượng của con người là được sống, mà trong đại dịch, mọi người dân đều được tiếp cận thông tin đầy đủ, thường xuyên, liên tục. Trong đại dịch toàn cầu, tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin liên quan đến Covid-19 để có thể có những giải pháp và nghĩa vụ trong việc phòng chống dịch bệnh.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Ngay trong thời điểm toàn thế giới điêu đứng vì Covid-19, cả nước dồn hết sức người sức của để chống dịch, Đảng, Nhà nước vẫn tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thể chế hóa Kết luận số 65-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới. Để từ đó, Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở đó, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025. Đây là những quyết sách quan trọng nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn tới.