Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho hay, vụ lúa Đông Xuân năm nay toàn huyện gieo cấy trên 3.550ha lúa. Giai đoạn này lúa đang phát triển tốt, trong thời kỳ trổ bông, ngậm sữa. Tuy nhiên, những đợt mưa to và dông lốc xảy ra vừa qua đã làm đổ ngã 350ha lúa và khoảng 20ha ngô, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng vụ mùa.
Các địa phương bị thiệt hại nhiều tập trung ở các xã Quảng Phú, Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp… Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch đã cử cán bộ về các địa phương để nắm tình hình và giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong khắc phục thiệt hại.
Tại hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa, dông lốc những ngày qua cũng gây thiệt hại về nhà cửa và cây trồng. Trong đó, huyện Tuyên Hóa, có trên 60 ha lúa, 87 ha ngô vụ Đông Xuân bị gãy, đổ; chủ yếu ở các xã: Thuận Hóa, Lê Hóa, Kim Hóa và Đức Hóa. Riêng tại xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, dông lốc xảy ra vào các ngày 20, 21 và 22/4 làm cho 17 ha lúa đang thời kỳ ngậm sữa và 40 ha ngô bị đổ gãy, hư hại nặng.
Ở huyện Minh Hóa, mưa to kèm giông lốc không chỉ làm thiệt hại về cây trồng mà còn khiến nhà của các hộ dân bị tốc mái, hư hỏng một số tài sản, vật dụng trong nhà.
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm tốc mái nhà của hai hộ dân ở bản Ka Định, xã Dân Hóa, rất may không có thiệt hại về người.
Thời gian này, hiện tượng mưa dông xuất hiện với tần suất nhiều và có lốc xoáy xảy ra từng vùng trên địa bàn. Hiện các địa phương bị ảnh hưởng đã thành lập từng tổ đi rà soát và thống kê thiệt hại cụ thể; cán bộ phụ trách lĩnh vực nông lâm cũng đã đi về cơ sở kiểm tra tình hình.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa và dông, lốc gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình khuyến cáo các địa phương, hướng dẫn bà con nông dân khôi phục, kéo và buộc dựng lại các diện tích cây ngã đổ.
Ngoài ra, điều tiết, giảm bớt lượng nước trong ruộng để cây lúa khỏi bị ngập úng. Ngành nông nghiệp địa phương cũng lưu ý bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi ruộng lúa, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất; thường xuyên theo dõi và nắm thông tin về tình hình thời tiết để chủ động các biện pháp phòng tránh an toàn./.