Lớp học trên miền đất cổ
Về Qùy Châu trong một buổi chiều cuối Thu, chúng tôi được chứng kiến Lễ bế giảng lớp học văn hóa Thái của Đoàn Thanh niên xã Châu Tiến. Đây là một trong những môhình được đánh giá rất cao về hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Thái huyện miền núi Qùy Châu. Ấn tượng đầu tiên khi đến lớp học là những bạn trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đam mê với văn hóa dân tộc mình. Những thiếu nữ Thái trong trang phục truyền thống cất lên điệu lăm, điệu suối ngọt ngào, tha thiết. Còn các chàng trai tay cầm khèn bè du dương theo từng nốt trầm bổng của âm thanh như muốn mời gọi du khách hòa vào nhịp sống của bản làng.
Chia sẻ về lớp học, anh Lãnh Qúy Mùi, Bí thư Đoàn xã Châu Tiến cho biết: Châu Tiến là cái nôi văn hóa Thái của huyện Quỳ Châu, tuy nhiên nhiều năm gần đây, lớp trẻ ít quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Khi đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh Đoàn, bản thân tôi cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn xã đã có sáng kiến thành lập lớp học văn hóa Thái trong dịp nghỉ hè. Thời gian đầu đi vận động thanh thiếu niên và đoàn viên tham gia lớp học, các bạn trẻ vẫn có tâm lý ngại ngần không muốn tham gia. Nhiều bạn có suy nghĩ, những hoạt động văn hóa, văn nghệ đó chỉ phù hợp với các bà, các mẹ và những nghệ nhân, lớp trẻ tham gia làm gì? Tuy nhiên, sau một thời gian vận động, tuyên truyền, các bạn trẻ đã hiểu và nhiệt tình ủng hộ.
Lớp học văn hóa Thái khai giảng vào đầu tháng 6 năm 2022 với 65 học viên là đoàn viên, thanh niên tham gia. Lớp học chia thành 2 lớp, mỗi tuần học 5 buổi tại hội trường bản Lầu, xã Châu Tiến. Người trực tiếp truyền dạy cho các bạn trẻ cách múa sạp, múa cồng chiêng, khắc luống, học hát các điệu suối, khắp, lăm, nhuôn, học viết chữ Thái, thổi khèn bè… là 2 nghệ nhân ưu tú Lô Đức Mậu và Sầm Thị Xanh cùng ở xã Châu Tiến.
Em Lê Thị Tâm - một học viên của lớp học văn hóa Thái tại xã Châu Tiến chia sẻ : "Trong 3 tháng hè tham gia lớp học, được 2 nghệ nhân ưu tú truyền dạy cho các làn điệu dân ca, dân vũ, em hiểu thêm và cảm thấy rất yêu văn hóa dân tộc mình. Em cũng tự hào khi được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống để hòa vào điệu múa của dân tộc”.
“Giữ lửa” từ các câu lạc bộ
Rời xã Châu Tiến, chúng tôi đến xã Châu Hạnh hòa vào Ngày hội Cồng chiêng tại Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái bản Đồng Minh. Đây là một trong số các CLB hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia sinh hoạt, giao lưu định kỳ.
Được thành lập năm 2007, với hơn 30 thành viên, thời gian qua Câu lạc bộ văn hóa Thái bản Đồng Minh đã có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái tại xã Châu Hạnh nói riêng và huyện Qùy Châu nói chung. Các thành viên đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi tham gia lưu diễn ở cấp huyện, và các cụm xã Châu Nga, Châu Hội, Châu Tiến… Một số diễn viên, nghệ nhân được tham gia cùng Đoàn của huyện đi tham dự hội thi, hội diễn ở cấp tỉnh và trung ương… Tiêu biểu như các nghệ nhân Quang Thị Dũng, Chủ nhiệm CLB văn hóa Thái bản ĐồngMinh; nghệ nhân Lang Sơn Hán, Lang Thị Xinh và những bạn trẻ như em Lang Trọng Tấn có năng khiếu thổi các loại nhạc cụ dân tộc Thái…
Được sự quan tâm, đầu tư của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như chính quyền địa phương, trong những năm qua, huyện Quỳ Châu đã khơi dậy ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, lan tỏa phong trào văn hóa, văn nghệ từ việc thành lập các câu lạc bộ văn hóa Thái. Toàn huyện Quỳ Châu hiện có 12 CLB văn hóa Thái, trong đó có 1 CLB cấp tỉnh, các CLB đều có thành viên là đoàn viên, thanh niên. Thời gian qua, các CLB thường xuyên phối hợp với Đoàn Thanh niên các xã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, hội thi ẩm thực… với mong muốn tạo sân chơi bổ ích, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực của văn hóa của dân tộc mình.
Bà Quang Thị Dũng, Chủ nhiệm CLB văn hóa Thái bản Đồng Minh cho biết: “Từ ngày thành lập CLB đến nay, các cháu thanh niên, học sinh thường xuyên đến CLB tham gia giao lưu, học hỏi, chúng tôi phấn khởi lắm. Hiện nay, CLB chủ yếu là người trung niên, cao tuổi nên chúng tôi rất mong lớp trẻ có ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa Thái. Chính quyền địa phương cũng luôn tạo điều kiện hỗ trợ, động viên các nghệ nhân, diễn viên quần chúng cả về vật chất và tinh thần để CLB ngày càng phát triển lớn mạnh".
Ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng phòng văn hóa huyện Qùy Châu thông tin: “Các CLB văn hóa Thái ở huyện Quỳ Châu được đánh giá cao về hiệu quả trong công tác giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Thái tại địa phương đang được các cấp, các ngành và chính quyền đặc biệt quan tâm. Hiện nay, đã có 11 nghệ nhân trong các CLB văn hóa Thái tại huyện Quỳ Châu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Một số nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ.
Ngoài chính sách chung, từ ngày 1/1/2022, các nghệ nhân ưu tú tại huyện Quỳ Châu còn được tỉnh Nghệ An hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/tháng theo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nghệ An.
Các CLB bảo tồn văn hóa Thái của huyện Quỳ Châu cũng được tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/CLB để mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, biểu diễn và 5 triệu đồng/CLB/năm để duy trì hoạt động. Những sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ từ chính sách phát triển văn hóa từ Trung ương đến địa phương đã giúp đồng bào Thái ở huyện Quỳ Châu tích cực bảo tồn, phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để hội nhập và phát triển.