7 năm mới có một con đường
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng xóm Giàng Văn Súa cho biết: 8 năm làm Trưởng xóm, anh mất gần 7 năm cho việc xin dự án đầu tư con đường từ xóm Nà Coóc, một xóm gần trung tâm huyện lỵ lên đến Nà Hoi.
“6km đường quanh co, đồi đốc, qua 01 đập tràn, qua ba sườn núi mới lên đến gần trung tâm xóm. Vì địa hình hiểm trở, nguồn vốn ít, nhỏ lẻ nên phải qua bốn lần đầu tư, con đường mới được hoàn thành một phần từ xã vào đến Nhà văn hóa. Riêng đoạn đường gần 3km từ Nhà văn hóa đến trung tâm xóm, vẫn chưa được hoàn thành, dù đã được đưa vào danh mục đầu tư trong năm 2020”, anh Súa chia sẻ.
Lội bộ qua con đường đất từ Nhà văn hóa đến gần trung tâm xóm, chúng tôi đến thăm nhà anh Lý Văn Tướng, một trong những hộ nghèo của xóm. Bước từ trong căn bếp xập xệ ra, mặt còn vương đầy bụi tro, than củi, anh Tướng phân trần: Không có điện, không có nước sạch và sóng điện thoại, cuộc sống của chúng tôi hết sức khó khăn.
Để có được nguồn điện thắp sáng, cách đây hai năm, anh Tướng đã xuống chợ huyện mua máy phát điện thủy lực mini (chạy bằng nguồn nước suối). “Nguồn điện chỉ có thể thắp sáng được ngọn đèn. Một số nhu cầu khác không thể dùng được nguồn điện này. Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm đầu tư điện cho xóm để người dân được tiếp cận văn minh, mở con đường phát triển kinh tế cho người dân ”, anh Tướng bộc bạch.
Chính bởi không đường, không điện, nên đời sống người dân Nà Hoi đang gặp rất nhiều khó khăn. Sản phẩm chủ yếu là tự cấp tự túc, hầu như không tiêu thụ được ra bên ngoài bởi giao thông cách trở. Xóm có 21 hộ thì có đến 14 hộ nghèo.
Điện, đường là vậy, nước sạch hiện cũng đang là niềm ao ước của người dân Nà Hoi. Sóng điện thoại cũng chập chờn, nơi có nơi không.
Nghèo đói đeo bám
Anh Lý Văn Tướng là một trong số 7 hộ dân xóm Nà Hoi, đã từng vay vốn để mua trâu vỗ béo, nhưng từ hơn năm nay, con trâu của gia đình chưa bán được (do chợ trâu bò Nghiên Loan, huyện Pác Nặm chưa mở cửa hoạt động trở lại để phòng chống dịch Covid-19), trong khi vẫn phải trả nợ lãi ngân hàng.
Anh Tướng đã phải bán cả đàn gà để trả nợ lãi ngân hàng. Và cái nghèo vẫn đang hiển hiện trước mắt anh mà chưa có giải pháp nào khả thi.
Tương tự anh Tướng, gia đình anh Sùng A Páo cũng vay vốn ngân hàng để nuôi trâu bò vỗ béo, tìm kế để thoát nghèo. Nhưng chưa bán được trâu nên cuộc sống rất khó khăn, khi vẫn phải trả nợ lãi ngân hàng.
Anh Páo thở dài: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, trâu bò vỗ béo không bán được, Hiện gia đình tôi đang phải bán bớt lợn, gà để trả nợ ngân hàng. Cứ tình hình này, chưa biết bao giờ mới thoát được nghèo”.
Không điện, không đường, không nước sạch, thông tin liên lạc với bên ngoài rất hạn chế… là những rào cản đối với sự phát triển KT-XH của Nà Hoi dù người dân đã rất nỗ lực trong việc chủ động phát triển kinh tế, chủ động trong việc tìm nguồn điện, nguồn nước cho gia đình. Nhưng rõ ràng, về lâu dài, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền từ huyện Pác Nặm đến xã Bộc Bố, trước mắt là biện pháp tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
“Có giao thương hàng hóa mới có cơ hội thoát khỏi cái nghèo”, Trưởng xóm Nà Hoi Giàng Văn Súa khẳng định.
Giải pháp nào cho Nà Hoi
Là xóm nhiều không với xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư nhỏ lẻ, địa hình chia cắt là những rào cản để Nà Hoi chuyển mình. Được biết, trước thực tế này, chính quyền xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm cũng đã bàn thảo, đề ra một số giải pháp giải quyết khó khăn cho địa phương. Trong đó, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có thông tin, sẽ đầu tư đường điện cho Nà Hoi. "Tuy nhiên, chưa biết khi nào Nà Hoi sẽ được kéo điện lưới quốc gia”, ông Nguyễn Đình Giảng, Giám đốc Điện lực Pác Nặm cho biết.
Đặc biệt, theo ông Quách Văn Thuyết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bộc Bố: Để từng bước đưa Na Hoi thoát khỏi khó khăn, Đảng ủy, UBND xã Bộc Bố đã ra nghị quyết về việc phân công đảng viên giúp đỡ các xóm, hộ thoát nghèo, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm. Trong năm 2021, xã đã lựa chọn giống cây, con phù hợp mùa vụ, phù hợp nhu cầu của bà con để đầu tư đúng tiến độ thời gian.
"Hiện nay, chính quyển xã đang phối hợp với ngành chức năng tìm kiếm thị trường đầu ra cho cây gừng, và tìm hướng tiêu thụ trâu bò cho bà con”, ông Thuyết cho biết.
“Với khả năng của địa phương, chúng tôi chỉ có thể làm được như vậy. Còn về việc đầu tư đường, điện, viễn thông và nước sạch vẫn phải chờ chủ trương và nguồn vốn từ tỉnh và Trung ương. Trước mắt, xã đã vận dụng nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo để mua téc nước cho các hộ dân để sử dụng nguồn nước mưa và nước dẫn từ trên núi xuống”, ông Thuyết chia sẻ.
Có thể thấy, với những khó khăn của Nà Hoi, riêng nguồn lực của của xã, huyện là không đủ, mặc dù, nhiều năm nay, chính quyển huyện Pác Nặm đã vận dụng nhiều nguồn lực để đầu tư cho các xã ĐBKK, trong đó có Nà Hoi.
Tuy nhiên, do địa hình quá khó khăn, việc giải quyết vấn đề “nhiều không” ở đây rất cần sự quan tâm của tỉnh Bắc Kạn, của Trung ương thông qua các chương trình Mục tiêu quốc gia. Có như vậy, địa phương mới có đủ nguồn lực, tiềm lực để giải quyết được thực tế khó khăn ở Nà Hoi, nhất là việc giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo bắt đầu từ điện, đường, nước sạch và viễn thông.