Làm chủ cánh đồng
Bước ra từ hang đá, người Rục lạ lẫm với tất cả. Họ được Nhà nước đầu tư dự án làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế và làm nhà ở; được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) dạy cho cách “làm nông” ổn định cuộc sống…
Năm 2010, Dự án lúa nước Rục Làn do BĐBP đầu tư đã ra đời. Bước qua hơn 20 vụ lúa, từ chỗ được BĐBP cầm tay chỉ việc, đến nay, phần lớn công việc trên đồng ruộng, đồng bào Rục đều tự tay làm lấy. Mỗi năm 2 vụ lúa, cánh đồng Rục Làn đạt năng suất trung bình 40 tạ/ha, những năm được mùa, năng suất còn đạt cao hơn, giúp cho hơn 50 hộ đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ bảo đảm nguồn lương thực cho cả năm.
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, bây giờ, ông Cao Xuân Phiên ở bản Mò O Ồ Ồ đã thành thục các công đoạn làm lúa nước, từ làm đất đến bón phân, ủ giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch lúa. Ông Phiên cho biết, mỗi năm 2 vụ lúa, gia đình ông thu hoạch hơn 2 tấn lúa, không chỉ đủ gạo ăn cả năm mà còn thừa để dự trữ và chăn nuôi gà, lợn.
Ông Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ chia sẻ: “Trước đây, dân bản không biết trồng lúa nước, chỉ biết trồng sắn, trỉa ngô trên rẫy. Nhờ BĐBP bày cho, bây giờ, dân bản đã biết làm rồi. Làm chủ được cánh đồng, cuộc sống bà con dần ấm no hơn”.
Có được cuộc sống như hôm nay, người Rục đã nhận được sự quan tâm chăm lo đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó công đầu phải kể đến là lực lượng BĐBP. Hàng chục năm qua, cùng với mô hình lúa nước trên cánh đồng Rục Làn, cán bộ, chiến sỹ ĐBP Cà Xèng đã triển khai nhiều mô hình, đề án nâng cao nhận thức, tạo sinh kế, giúp đồng bào Rục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần như: “Mô hình vườn mẫu”, “Lớp học xóa mù”, "Nâng bước em đến trường", “Con nuôi đồn biên phòng”, “Ánh sáng vùng biên”…
Thiếu tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Cà Xèng cho biết: “Hơn 10 năm với những gian nan, vất vả, nhiều lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, nước ruộng khan hiếm, đặc biệt là hiểu biết hạn chế của đồng bào về cây lúa nước. Nhưng tình hình đã khác, từ chỗ bộ đội phải “làm hộ” đến nay, đồng bào đã tự giác xuống đồng, cơ bản nắm được quy trình làm lúa nước, đặc biệt là biết quý trọng hạt gạo do chính mồ hôi, công sức mình bỏ ra”…
Nhân tố mới
Năm 2019, gia đình anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên, người Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa làm đơn thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Tiếp theo là các hộ gia đình khác như: Trần Xuân Vinh (bản Ón), Cao Xuân Nhạc, Hồ Pứa (bản Mò O Ồ Ồ)... cũng làm đơn xin “thoát nghèo”.
Ông Đinh Thanh Văn, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa cho biết, lãnh đạo xã vốn đã quen tiếp nhận đơn từ của bà con xin chứng nhận hộ nghèo, nên khi nhận đơn của anh Lực, anh Vinh, anh Nhạc, anh Pứa, tuy có chút bất ngờ nhưng không lạ, vì đây là các hộ biết làm kinh tế, bước đầu tạo được nguồn thu để trang trải cho cuộc sống.
“Sau khi nhận đơn, lãnh đạo xã tổ chức đoàn đi xem xét, đánh giá thực tế tại các gia đình và quyết định đưa họ ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chúng tôi cũng đã thông báo khích lệ trước bà con trong bản, trong xã về sự thay đổi nhận thức, cùng thành tích vượt khó này. Chúng tôi coi đây là những tấm gương sáng, nhân tố mới trong quá trình vươn lên của đồng bào Rục để bà con học tập, noi theo”, ông Văn chia sẻ.
Cao Xuân Lực, Trần Xuân Vinh, Cao Xuân Nhạc, Hồ Pứa đều thuộc thế hệ người Rục thứ 2 sau khi rời hang đá. Dù chưa hết khó khăn, nhưng họ đã nhận thức được rằng, chỉ có tự tạo lập thì cuộc sống mới ổn định, chứ không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Anh Cao Xuân Lực cho biết, gia đình anh hiện có 5 con trâu, bò và 3ha rừng trồng, vợ anh còn nuôi lợn, gà. Mới đây, gia đình thu hoạch rừng trồng và bán 1 con trâu, thu gần 60 triệu đồng. Cuộc sống đã khá hơn trước nên anh viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Cũng giống như anh Lực, vợ chồng anh Cao Xuân Nhạc ở bản Mò O Ồ Ồ quyết định xin thoát nghèo sau khi có nguồn thu nhập khá ổn định. Anh Nhạc nói mộc mạc: “Nhờ BĐBP giúp đỡ, gia đình mình đã trồng được cây lúa nước, đủ gạo để ăn cả năm. Vợ chồng mình còn chăn nuôi thêm bò, lợn và trồng rừng nên kinh tế đã từng bước ổn định. Vì vậy, gia đình đã quyết định làm đơn xin thoát nghèo, để dành phần chế độ hỗ trợ của Nhà nước cho hộ khó khăn hơn”.
Chăn nuôi, trồng rừng để vươn lên
Những năm gần đây, người Rục, đặc biệt là lớp trẻ đã từng bước nhận thức được tiềm năng, lợi thế này để tìm cách tạo dựng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất họ sinh sống.
Từ chỗ phải chịu cảnh “đứt bữa” hàng năm, đến nay, nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu đã xuất hiện ở các bản người Rục. Năm 1992, chị Hồ Thị Páy ở bản Mò O Ồ Ồ lập gia đình với 2 bàn tay trắng. Cuộc sống càng khốn khó, khi người chồng của chị Páy đột ngột qua đời, để lại cho chị 8 đứa con. Mãi đến năm 2010, nhờ BĐBP giúp đỡ, chị Páy được ưu tiên cấp ruộng để sản xuất.
Đến nay, ngoài số lúa thu hoạch được hơn 2 tấn/năm, đủ gạo để ăn quanh năm, gia đình chị Páy còn nuôi 9 con bò, 3 con lợn và trồng 3ha rừng, thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng. Từ chỗ hộ nghèo, nhờ trồng rừng và chăn nuôi, đến nay, gia đình chị Páy đã vươn lên hộ khá, nuôi 8 đứa con khôn lớn.
Cũng ở bản Mò O Ồ Ồ, vợ chồng anh Cao Văn Điều và chị Hồ Thị Thin tuy còn trẻ nhưng đã có một cơ ngơi khá vững chắc. Gia đình anh Điều hiện trồng hơn 4ha rừng, nuôi 4 con trâu, 4 con lợn giống và nhiều gà, vịt, mỗi năm thu nhập gần 80 triệu đồng từ gieo cấy lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi.
Còn tại bản Ón, nhiều hộ gia đình người Rục như: Cao Xuân Lực, Cao Xuân Lành… nhờ trồng rừng và chăn nuôi mà đến nay đã thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống khá.
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn cho hay: “Đến nay, ở các bản vùng đồng bào Rục, bà con đã trồng được 118ha rừng và duy trì đàn trâu, bò trên 400 con. Trong thời gian tới, từ các nguồn vốn đầu tư, xã tiếp khuyến khích, hỗ trợ bà con phát triển trồng rừng, chăn nuôi để bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài"./.