Những năm gần đây, ở miền núi xứ Thanh ngày càng xuất hiện nhiều gương sáng người DTTS năng động dám nghĩ, dám làm để xóa đói giảm nghèo, đóng góp cho sự phát triển của bản làng quê hương. Tiêu biểu như chị Phạm Thị Nhung (43 tuổi, người dân tộc Thái, ở xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Hiện chị Nhung đang sở hữu một khu du lịch sinh thái ẩm thực giải trí nằm sát bên bờ sông Mã, với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Sinh ra và lớn lên ở một bản vùng cao còn nhiều khó khăn, chị Nhung luôn nung nấu suy nghĩ làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Khởi nghiệp cùng chồng cách đây hơn 10 năm, với lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng và thi công công trình, đến tháng 7/2017, nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành Du lịch, chị quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Ca Da. Qua thời gian hoạt động, doanh nghiệp của chị hiện đã và đang tạo việc làm cho gần 20 lao động, với mức thu nhập hằng tháng 5 - 6 triệu đồng/người. Doanh thu từ dịch vụ và du lịch năm 2018 của công ty đạt gần 4 tỷ đồng.
Theo chị Nhung, khu du lịch sinh thái của chị đang thu hút hàng 100 lượt khách đến thăm quan mỗi ngày, bởi vị trí khu du lịch nằm trên mảnh đất Mường Ca Da, huyện Quan Hóa là 1 trong 4 mường lớn - đơn vị hành chính của cộng đồng người Thái cổ, với nhiều nét văn hóa truyền thống vô cùng phong phú và độc đáo. Du khách đến đây ngoài thăm quan, tìm hiểu, còn có thể thưởng thức những món ăn dân tộc và những điệu xòe của các cô gái Thái.
Đáng nói, ngoài việc kinh doanh, gia đình chị Nhung rất quan tâm tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hằng năm, gia đình chị đóng góp cho địa phương, các xã khó khăn 5 - 10 tấn xi măng; tham gia ủng hộ tích cực vào các quỹ từ thiện, khuyến học, quỹ vì người nghèo và nhận nuôi đỡ đầu cho một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương.