Bà Hồ Thị Liễu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn
Với đặc thù là tỉnh miền núi, Bắc Kạn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉ lệ người dân không biết chữ còn cao… Đặc biệt với chị em phụ nữ không có cơ hội được giao lưu, học tập, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, tư duy làm kinh tế. Vì vậy để thay đổi được nhận thức của các chị em cần phải có những mô hình kinh tế cụ thể.
Do hạn chế của chị em là không biết chữ, nên ngay từ khi triển khai kế hoạch, cán bộ phụ nữ đã xác định phải trực tiếp cầm tay chỉ việc, chứ không thể mời chị em đến cuộc họp rồi tuyên truyền bằng lời. Hội LHPN tỉnh đã đến từng nhà, gặp từng hội viên để tuyên truyền, hướng dẫn cách nuôi, trồng.
Với lợi thế của cây chuối, phù hợp với thổ nhưỡng đất đai của địa phương, Hội LHPN tỉnh đã vận động các chị em trồng nhiều chuối, từ đó chế biến ra các sản phẩm từ chuối, như: chuối sấy, chuối dẻo… Hiện nay, các sản phẩm từ chuối đã có nhiều đơn vị thu mua giúp cho các chị em có thêm thu nhập hằng tháng từ 2 đến 3 triệu đồng, từng bước nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong gia đình.
Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum
Mặc dù với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng sâm dây, tuy nhiên trước đây vì chưa có định hướng cụ thể, nên người dân trồng manh mún, tự phát. Nhờ sự vận động tuyên truyền từ cán bộ, phát huy nội lực từ chính sách giảm nghèo, vay vốn… mô hình trồng sâm dây đang phát triển trên diện rộng. Hiện, sản phẩm được sản xuất ra đều có truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để đưa mô hình trồng sâm dây trở thành sinh kế cho chị em phụ nữ, Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã chủ động, tích cực vận động sự ủng hộ từ những doanh nhân nữ thành đạt trên địa bàn tỉnh. Nhờ sự hỗ trợ đó, 2 năm nay, chúng tôi đã thành lập được 4 tổ trồng sâm dây, bà con thấy được giá trị kinh tế cao đã chuyển từ trồng lúa, trồng mì sang trồng sâm.
Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đăk Krông, tỉnh Quảng Trị
Hiện nay trên địa bàn huyện Đăk Krông đang triển khai nhiều mô hình sinh kế cho chị em phụ nữ như: Mô hình trồng dứa thâm canh, mô hình trồng sả lấy tinh dầu, mô hình gian hàng nông sản sạch, mô hình cà phê Sách ở 2 xã A Ngo và Đăkrông…
Các mô hình đều lấy người dân làm trọng tâm và xem đây là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.Trong quá trình thực hiện, các mô hình sinh kế được thiết lập bằng nhiều hình thức khác nhau như: phát huy các sản phẩm, ngành nghề của địa phương, đảm bảo tính phù hợp với điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa; phát huy nội lực của cộng đồng và hộ gia đình, phụ nữ được tham gia và trao quyền từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn hoạt động sinh kế, triển khai thực hiện…
Tuy nhiên, về lâu dài, trong thời gian tới cần chuyển đổi hình thức từ “quản lý sang “hỗ trợ-bắt tay chỉ việc-kết nối”; tăng cường các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật đến tận hộ gia đình; lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với khả năng, nguồn lực của từng hộ gia đình (đất đai, trình độ, khuyết tật…); tập trung vào xây dựng và phát triển các hàng hóa nông sản mang tính chủ lực, đặc trưng vùng, miền của địa phương…
Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam: Hiện, cả nước có 26,56% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết; 33% nữ sinh DTTS đi học PTTH đúng độ tuổi; 7,2% lao động nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; khoảng 26% phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản; tỷ lệ phụ nữ tham chính ở 4 cấp khá khiêm tốn; có 12 dân tộc tỷ lệ tảo hôn từ 30 đến 40%; 25 dân tộc có phụ nữ sinh con tại nhà khoảng 50%, thậm chí có dân tộc đến 90% phụ nữ sinh con tại nhà... Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất bình đẳng giới nói chung và bất bình đẳng ở phụ nữ DTTS nói riêng.
HỒNG MINH