Mường Giôn là một xã thuần nông, thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Nơi đây là địa bàn cư trú của 19 bản với 4 dân tộc anh em gồm Thái, Mông, Kháng, Kinh, trong đó, dân tộc Thái chiếm 86%.
Mường Giôn với địa hình chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn. Những năm trước đây, thu nhập chính của người dân đến từ việc trồng ngô, sắn. Tuy nhiên do đất bạc màu, xói mòn nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, những năm qua xã Mường Giôn đã tập trung vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất dốc. Nhất là đưa các loại cây giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất thay thế những cây trồng cũ kém hiệu quả; xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế địa phương; kết hợp phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ.
Những định hướng phát triển này đã mang đến một luồng gió mới, làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản xuất. Từ đó cũng giúp đời sống kinh tế của người dân xã Mường Giôn được cải thiện đáng kể.
Điển hình trong các hộ dân mạnh dạn thay đổi tư duy, phát triển kinh tế theo hình thức mới phải kể đến gia đình anh Lò Văn Quốc, dân tộc Kháng ở bản Mấc Líu, xã Mường Giôn. Anh Quốc cũng là người tiên phong thực hiện mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc và chăn nuôi gia súc nhốt chuồng.
Anh Quốc chia sẻ: Trước đây hai vợ chồng làm nương ngô, sắn trên mảnh đất cha mẹ để lại. Mặc dù chịu khó nhưng vẫn thiếu thốn quanh năm do đất bạc màu, cây trồng cho năng suất thấp.
Để thoát nghèo trên chính đồi đất quê mình, anh Quốc đã đi nhiều nơi trong tỉnh, tham khảo nhiều mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi để về áp dụng vào sản xuất trên thửa đất của gia đình mình.
Sau quá trình tìm tòi, học hỏi, năm 2014, anh Lò Văn Quốc, người đầu tiên ở bản Kháng Mấc Líu đã mua 30 cây mận hậu về trồng trên đất dốc. Dựa vào kinh nghiệm tích lũy, anh Quốc đã tự tách chiết, ghép cành nhân giống được 500 gốc mận hậu; 200 gốc nhãn cho thu hoạch. Bên cạnh đó, để tạo bóng mát, tăng độ ẩm cho đất, anh Quốc tiếp tục trồng xen kẽ bưởi da xanh trên 5.000m2 đất trồng mận, nhãn. Ngoài ra, anh còn trồng xen kẽ cam, quýt, xoài... với diện tích lên đến 2,5 ha, cùng 2,5 ha lê mới trồng, 1 ha cây sa nhân tím.
Anh Quốc chia sẻ: "Để cây trồng không bị sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng, thì bản thân phải luôn chăm chỉ, chịu khó, kiểm tra, phun thuốc trừ sâu định kỳ. Hàng năm, thấy gia đình có thu hoạch từ cây ăn quả, nên bà con bản trên, xóm dưới đều đến tham khảo, học tập kinh nghiệm”.
Không chỉ mạnh dạn thay đổi tư duy trong việc trồng cây ăn quả, anh Quốc cũng nhận thấy việc chăn nuôi gia súc thả rông trong rừng không mang đến hiệu quả, mất nhiều công sức. Chính những suy nghĩ này đã giúp anh quyết định chuyển đàn bò của gia đình về nuôi nhốt gần nhà để tiện chăm sóc.
Để phục vụ việc chăn nuôi bò đạt hiệu quả hơn, gia đình anh Quốc trồng 5.000m2 cỏ voi, chuối và dự trữ rơm rạ để làm thức ăn cho bò. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc gia súc, mỗi năm anh Quốc có thể xuất bán bò thịt, rồi lại tiếp tục mua bò nhỡ về nuôi. Phân bò thu gom được tận dụng để bón cho cây trồng, từ đó giảm chi phí đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị cho cây trồng.
Từ trồng cây ăn quả trên đất dốc kết hợp chăn nuôi, mở hàng bán tạp hóa, mỗi năm gia đình anh Quốc có thu trên dưới 200 triệu đồng. Anh làm được nhà ở khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống.
Cũng là một trong những hộ dân “dám nghĩ dám làm”, gia đình bà Lò Thị Đội, bản Khóp, xã Mường Giôn đã tận dụng phần đất gần khe suối để đào ao nuôi cá; diện tích đất đồi chuyển sang trồng cây ăn quả xoài, nhãn và trồng rừng tùy theo độ dốc.
Bà Đội chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi đã ghép mắt gần 1 ha nhãn; chuyển hơn 1 ha ngô sang trồng xoài, măng ngọt và trám. Ngoài ra, tôi còn nuôi cá và 50 đàn ong. Hiện, toàn bộ diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 500 triệu đồng.
Theo ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La: Hiện xã đã có 365 ha cây ăn quả các loại, 380 ha cây quế, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 6,4%. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục nhân rộng các tấm gương dám nghĩ dám làm, cùng những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa bàn.
Không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, việc đưa cây ăn quả lên đất dốc đã góp phần quan trọng giảm mạnh đất trống đồi núi trọc, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, góp phần giữ nước, chống xói mòn, cải tạo đất. Hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.