Bằng trách nhiệm, uy tín của mình, bao năm qua, già Hmrik, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã kiên trì tuyên truyền, vận động thành công dân làng Gia Rai cùng giữ gìn mái nhà rông, tượng nhà mồ, giọt nước,…
Già Hmrik kể: “Với người Gia Rai, giọt nước là không gian sinh hoạt chung của buôn làng. Việc làm ô nhiễm nguồn nước sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng theo luật tục truyền thống. Trong hương ước của làng Ia Nueng thì quy ước này được đưa vào để dân làng nghiêm chỉnh chấp hành. Nhờ đó, khu vực giọt nước của làng luôn được giữ gìn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh”.
Ngoài ra, để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với xã, tham quan Biển Hồ, già Hmrik đã đến từng nhà, vận động bà con trong làng tham gia dệt thổ cẩm, truyền dạy cho lớp trẻ đánh cồng chiêng. Qua đó, không chỉ phục vụ cho những lễ hội của làng mà còn gắn với phát triển du lịch, phục vụ du khách khi có nhu cầu tham quan, mua sắm.
Bên vườn tượng gỗ Ba Na, Gia Rai được đặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng, già Hmrik còn thường kể cho các con, cháu nghe về ý nghĩa và nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, góp phần giáo dục nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của lớp trẻ học nghề truyền thống.
Trong cộng đồng người Ba Na ở làng Pyang, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, Người có uy tín Đinh Keo được biết đến là người am hiểu và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na ở địa phương, từ cồng chiêng, tạc tượng, đan lát đến hát dân ca, kể sử thi... Ông Đinh Keo chia sẻ: “Nếu không bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các thế hệ con cháu sau này sẽ bị “đứt” mạch nguồn văn hóa. Những già làng như chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đó bằng nhiều cách khác nhau, phải như “sợi chỉ đỏ” nối liền các thế hệ trong một mạch nguồn văn hóa”.
Hiện nay, ông Đinh Keo đã sưu tầm được hơn 10 bộ chiêng. Ngoài ra, ông dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ trong làng; dạy 300 người trong làng múa xoang, tạc tượng gỗ, hát dân ca. Từ đây, học trò của ông được mời tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức, góp phần giữ gìn, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Ba Na. Trước niềm đam mê, trách nhiệm và đóng góp của ông Keo với văn hóa dân tộc Ba Na, năm 2019, ông Đinh Keo đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp của ông, đó cũng là nguồn động viên to lớn để ông Keo tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
Gia Lai là tỉnh miền núi với hơn 46% là đồng bào DTTS (chủ yếu là dân tộc Ba Na và Gia Rai). Trong đó có 955 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thời gian qua, với vai trò và trách nhiệm của mình, đội ngũ những Người có uy tín đã phát huy vai trò trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ Người có uy tín mà đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng ý thức hơn về giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Người dân đã biết giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng. Đồng thời, tích cực tham gia khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống, phục dựng các nghi lễ mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc. Phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong thôn, làng.
Ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: Để động viên Người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách với Người có uy tín; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ Người có uy tín; thường xuyên cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... để Người có uy tín cập nhật, nắm bắt làm cơ sở tuyên truyền, vận động tại địa phương. Đồng thời, quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng những Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, nhằm kịp thời động viên Người có uy tín đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng quê hương giàu đẹp.