Trước đây, đồng bào Ê Đê buôn Kna B, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) ít khi dùng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... Hai năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường nên trong tất cả các buổi sinh hoạt buôn, hội, đoàn thể đều lồng ghép nội dung phòng chống dịch bệnh.
Ông Y Nham Ayun, Người uy tín buôn Kna B chia sẻ: Đồng bào dân tộc Ê Đê trong buôn chủ yếu làm nghề nông, ban ngày mọi người đi rẫy, chỉ ở nhà buổi tối, nên ông đã đợi lúc này mới đến các nhà dân để tuyên truyền. Trong quá trình tuyên truyền, từng đối tượng, ông có cách tuyên truyền khác nhau cho phù hợp, dễ hiểu.
"Nhờ đó, người dân buôn Kna B thay đổi dần và chấp hành phòng chống dịch rất tốt, đeo khẩu trang khi ra ngoài, gia đình nào cũng đã có chai nước rửa tay, sát khuẩn. Trong đợt dịch bệnh bùng phát lần này, Đắk Lắk có một số ca mắc nên người dân ở đây càng nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn", ông Y Nham Ayun nói.
Tương tự, ở buôn Cư Blang, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk), với vai trò là già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS, già Y Hai Ayun luôn được bà con đồng bào Ê Đê tôn kính. Những năm qua, già Y Hai đã cùng chính quyền địa phương, cán bộ buôn thường xuyên vận động bà con DTTS trong thôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, già luôn vận động bà con nêu cao cảnh giác, tích cực phòng chống dịch. “Trên tinh thần, “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một pháo đài”, già đến từng nhà tuyên truyền bà con thực hiện đúng quy định phòng chống dịch của nhà nước.
"Bây giờ việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay sát khuẩn đã thành thói quen. Bà con đã thích ứng với từng giai đoạn diễn biến của tình hình dịch bệnh cùng cả nước phòng chống dịch”, già Y Hai chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho biết: Đắk Lắk có 49 thành phần dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào DTTS cao chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh. Năm 2021, Đắk Lắk có 1.021 người được công nhận là Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện các chính sách cho Người có uy tín theo quy định. Đây là sự động viên rất lớn, giúp cho họ tiếp tục phát huy vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi.
Có thể khẳng định, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, tích cực tham gia phong trào bảo vệ môi trường, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quỹ khuyến học...
Người có uy tín đã vận động đồng bào các dân tộc, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; hưởng ứng và tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng làng bản, là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương…
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung tuyên truyền phòng chống dịch dưới nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, từng dân tộc. Ngoài chú trọng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng đồng bào DTTS, thì, với lợi thế già làng, Người uy tín rất am hiểu phong tục, tập quán, tâm tư nguyện vọng của người dân trong thôn, nên tỉnh chú trọng đẩy mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ, người tiêu biểu, Người có uy tín trong cộng đồng DTTS tham gia tuyên truyền và đi đầu trong phòng chống dịch.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)