Giữ vững cột mốc biên cương
Sinh ra và lớn lên ở bản Xía Nọi, xã biên giới Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), ông Chá Văn Cụa, dân tộc Mông, coi việc được bảo vệ cột mốc biên giới Việt - Lào không chỉ là vinh dự, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của cuộc đời mình. Ông bảo, Nhà nước quan tâm động viên, hỗ trợ lương hằng tháng là quý, nhưng điều cơ bản ông làm là, những cột mốc biên giới là biểu tượng của Tổ quốc, là nơi ông gửi gắm tình yêu thiết tha với quê hương, với chủ quyền đất nước.
Cột mốc biên giới cheo leo, tận đỉnh núi. Vài giờ theo bước chân phăm phăm của ông Cụa, chúng tôi mới tới nơi, chân mỏi nhừ. Cột mốc đây rồi: Bên kia là nước bạn Lào, bên này là Tổ quốc. Từ điểm đất thiêng liêng này, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự tĩnh lặng, mênh mông màu xanh của cây rừng miền viễn xứ biên cương...
Ông Cụa kể, bố ông - cụ Chá Nọ Dính, sinh năm 1933, là già làng có uy tín, tự nguyện xung phong đảm nhận việc bảo vệ cột mốc G11, nay là cột mốc 320 biên giới Việt Nam - Lào, giáp với bản Hin Đăm, cụm Na Ngài, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Từ thời trẻ, ông đã được bố cho theo trong các chuyến đi kiểm tra cột mốc.
“Hồi ấy đường đi lại khó khăn lắm. Phải băng rừng, vượt suối nhiều giờ trên con đường mòn nhỏ mới đến được đỉnh đồi nơi đặt cột mốc. Ngày ấy, tiếng hú của các loài thú còn vang lên rất rùng rợn. Nhiều hôm trời mưa, rừng tối sầm, đường trơn trượt, nhưng bố và tôi vẫn không bỏ buổi kiểm tra nào”, ông Cụa kể.
Cho đến năm 1996, tuổi cao sức yếu, không thể trèo đèo, lội suối lên thăm cột mốc nữa, cụ Dính mới giao lại việc bảo vệ cột mốc cho con trai mình. 24 năm đã trôi qua, ông Cụa cần mẫn, tận tụy tiếp nối công việc của cha, cùng với cơ quan chức năng giữ gìn, bảo vệ cột mốc nơi biên cương.
Người đàn ông ở vào tuổi không còn trẻ nữa tâm sự rằng, dù nắng hay mưa, cứ đến ngày ông lại lên thăm cột mốc. Càng thời tiết xấu, kẻ xấu càng hay lợi dụng để phá hoại. Nhớ về người cha năm nào, nhiều lần ông Cựa cho con trai đi cùng, với mong muốn sau này, khi không thể leo núi được nữa, con trai ông sẽ tiếp tục công việc.
Hiến đất xây dựng thôn bản
Ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị), già làng Côn Hương là tấm gương sáng trong việc hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, góp phần nâng cao điều kiện sống của bà con.
Già Côn Hương, tên thường gọi là Hồ Văn Ing, người Pa Cô. Ở tuổi 75, trông ông vẫn rắn rỏi và nhanh nhẹn. Sức khỏe giúp già Hương bền bỉ với các phong trào thi đua xây dựng quê hương. Đặc biệt, bà con ai cũng khâm phục việc gia đình ông tự nguyện hiến gần 5.000m² đất để xây nhà cộng đồng cho dân bản. Không chỉ ông, mà vợ là bà Hồ Thị Nhịp (73 tuổi) cũng đồng lòng và còn động viên chồng trong nghĩa cử này. “Chừng ấy đất đó mà bán ra thì cũng nhiều tiền, nên khi thấy chồng tôi hiến đất, nhiều người rất ngạc nhiên. Tôi ủng hộ ông ấy vì đây là việc làm có ý nghĩa với dân với nước”, bà Nhịp vui vẻ nói.
Vợ chồng già Hương có tới 12 người con (6 trai, 6 gái). Hầu hết các con ông bà, điều kiện kinh tế cũng chỉ tạm ổn. Ông nói: “Chỉ cần mỗi người con đều có mảnh đất dựng nhà đủ sinh sống là được. Đất cũng là của Nhà nước, khi Nhà nước cần mà mình cứ giữ riêng cho mình thì không phải con cháu Bác Hồ”. Cái lý của già giản dị mà chan chứa nghĩa tình và sự cao cả.
Già Hương kể, năm 2016, khi cán bộ về tìm đất xây nhà cộng đồng, già không ngần ngại hiến đất ngay. Chỉ 1 năm sau, mảnh đất già hiến tặng đã mọc lên nhà cộng đồng kiên cố, trở thành nơi sinh hoạt chung cho người dân trong bản. Mỗi lần nhìn ngôi nhà cộng đồng, già Hương vô cùng mãn nguyện, bởi thấy việc hiến đất ấy thật sự giàu ý nghĩa.
Sau khi hiến đất xây nhà cộng đồng, già Hương hiến thêm 3 lần nữa để làm đường dân sinh, xây dựng cầu liên thôn A Đăng - Vực Leng giúpNhân dân đi lại, trẻ em đi học được thuận tiện hơn. “Nếu tôi cứ giữ đất, thì chỉ có vài người con cháu mình được hưởng lợi. Nhưng hiến đất cho cộng đồng sẽ mang lại lợi ích cho hàng trăm, hàng ngàn người và cái lợi đó không phải một năm, hai năm mà cả chục, trăm năm sau”, già Hương bộc bạch./.