Bài cuối: Cần kiên quyết chống lãng phí đất
“Trên nóng, dưới lạnh”
Tình trạng hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trong khi hàng triệu ha đất-rừng do các nông, lâm trường (NLT) quản lý, sử dụng không hiệu quả là một nghịch lý đã được nhận diện từ hàng chục năm nay. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, nghị định,… yêu cầu các địa phương phải kiên quyết thu hồi diện tích đất-rừng không sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả để giao cho người dân thiếu đất sản xuất.
Có thể kể đến như: Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới các NLT quốc doanh; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Nghị quyết 112/2015/QH13, ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ NLT quốc doanh;.... Gần đây nhất là Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13.
Điều này cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương trong việc sắp xếp, đổi mới các NLT, nhất là việc thu hồi những diện tích đất bị “bỏ hoang” ở các NLT để giao lại cho các địa phương; từ đó tạo quỹ đất để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, thiếu đất canh tác. “Trên nóng” là vậy nhưng “dưới lại rất lạnh” khiến tiến độ thu hồi rất chậm chạp.
Theo Báo cáo “Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các NLT quốc doanh giai đoạn 2004-2014” ngày 16/10/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 10 năm, các công ty nông, lâm nghiệp đã bàn giao về cho địa phương 80.468ha. Thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP, việc thu hồi đất của các NLT để giao cho địa phương quản lý được đẩy nhanh tiến độ. Chưa đầy 1 năm (tính đến tháng 9/2015) cả nước đã có 415.125ha được bàn giao.
Nhưng từ đó đến nay, các NLT lại ì ạch “trả” đất. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2017, thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP, các NLT (gồm 262 NLT) đã bàn giao được 477.507ha về cho địa phương. Nghĩa là, từ thời điểm có báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (báo cáo ngày 16/10/2015), tính đến tháng 8/2017, cả nước chỉ có thêm 66.382ha đất do các NLT quản lý được bàn giao về cho địa phương.
Kiên quyết thu hồi
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại thời điểm tháng 10/2015, tổng diện tích do các NLT quản lý là gần 2,7 triệu ha. Trong đó, các lâm trường quản lý hơn 2,2 triệu ha, nhưng có khoảng 17% diện tích đất chưa sử dụng; trong gần 500 nghìn ha do các nông trường quản lý thì có đến 14,2% diện tích đất chưa sử dụng. Trong khi đó, theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS, tại thời điểm tháng 7/2015, cả nước vẫn còn 221.754 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất.
Như số báo trước đã phản ánh, dù chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất canh tác đã được triển khai từ năm 2002, nhưng đến nay đây vẫn là bài toán khó giải. Nguyên nhân trực tiếp là do các địa phương đều khẳng định không còn quỹ đất.
Nhưng như đã nêu ở trên, cả nước còn có 262 công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý hơn 2,2 triệu ha đất, trong đó có khoảng 17% diện tích đất chưa sử dụng. Đó là chưa kể đến những diện tích đất cho các doanh nghiệp thuê nhưng cũng bỏ hoang.
Đây chính là quỹ đất mà các địa phương đang cần để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo hiện nay. Các địa phương phải quyết liệt trong việc thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; kiên quyết thu hồi những diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để giao cho địa phương quản lý, làm cơ sở để cấp đất sản xuất cho người dân.
Thời gian qua, các địa phương cũng đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ thiếu đất canh tác. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế do định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề thấp, chưa tạo được sự chuyển biến thực sự về thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, với đồng bào DTTS, có chuyển đổi nghề nào đi chăng nữa thì cũng gắn với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; do vậy không thể không có đất sản xuất.
Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã nói: “Thật bất hợp lý khi người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trong khi đất NLT lại hoạt động không hiệu quả. Tôi tin, nếu giao đất cho dân kết hợp hướng dẫn người dân sản xuất sẽ không còn cảnh lãng phí đất NLT khiến dư luận bức xúc thời gian qua”.
Rõ ràng, kiên quyết thu hồi diện tích đất từ các NLT đang quản lý, sử dụng không hiệu quả để tạo quỹ đất cấp cho hộ DTTS nghèo có nhu cầu là việc phải làm; bởi nếu thiếu đất sản xuất thì công cuộc giảm nghèo vùng DTTS và miền núi sẽ khó bền vững. Dẫu có bao nhiêu chính sách đầu tư, hỗ trợ nhưng một khi đồng bào thiếu tư liệu để sản xuất thì sinh kế khó bền.
Theo Quyết định 862/QĐ-LĐTBXH ngày 04/7/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 mới được công bố, cả nước vẫn còn 864.931 hộ nghèo DTTS, chiếm 52,66% tổng số hộ nghèo cả nước. Phần lớn hộ DTTS thiếu đất sản xuất đều thuộc diện hộ nghèo.
SỸ HÀO