Nghệ nhân Đàng Năng Thạch biểu kèn saranai.Giữ hồn nhạc cụ Chăm
Chúng tôi gặp Đàng Năng Thạch cùng các nghệ nhân dân gian làng Bàu Trúc, huyện Phước Dân, tỉnh Ninh Thuận tham gia Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm và Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận tổ chức. Với phong cách biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Chăm, những tiết mục biểu diễn kèn saranai của anh được du khách tham quan tháp Pô Klong Garai nhiệt liệt tán thưởng.
Tiếng kèn saranai của nghệ nhân Đàng Năng Thạch hòa quyện cùng tiếng trống ghinăng, trống baranưng, tạo nên không khí rộn ràng, vang vọng chào đón du khách đến với Ninh Thuận. Bộ ba kèn saranai, trống ghinăng và trống baranưng thường đồng hành trong các nghi lễ truyền thống và chương trình văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần người dân địa phương.
Nghệ nhân Đàng Năng Thạch cho biết, kèn saranai được làm từ sừng trâu hoặc lõi các loại gỗ quý, có âm thanh ấm vang và độ bền cao. Kèn có chiều dài khoảng 37cm, gồm ba phần: Loa kèn dài 10cm, thân kèn 20cm đục 7 lỗ cách đều 2cm để tạo âm thanh, chuôi kèn dài 7cm, làm bằng bạc hoặc đồng, gắn ngòi thổi bằng lá buông. Nghệ nhân dùng hơi lấy từ mũi đưa vào miệng, giữ lại rồi đẩy qua ngòi thổi, tạo nên âm thanh trầm bổng đầy mê hoặc, hút hồn người nghe.
Nghệ nhân Đàng Năng Thạch cho biết, khi học thổi kèn saranai, kỹ thuật lấy hơi và giữ hơi là khâu khó nhất, đòi hỏi người nghệ sĩ phải rèn luyện nhiều năm mới có thể tạo nên tiếng kèn điêu luyện. Hiện nay, anh đang sở hữu 3 chiếc kèn saranai do cố Nghệ nhân Ưu tú Thiên Sanh Thềm và nghệ nhân Đàng Tà truyền lại. anh coi những nhạc cụ này như bảo vật của gia đình.
Nghệ nhân Đàng Năng Thạch cùng các nghệ nhân dân gian hòa tấu nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm. Cùng với các nghệ nhân làng Bàu Trúc, nghệ nhân Đàng Năng Thạch nhiều lần tham gia biểu diễn dân ca, dân vũ và hòa tấu nhạc cụ Chăm tại Hà Nội, được công chúng Thủ đô nồng nhiệt đón nhận. Điểm đặc biệt trong cách biểu diễn của Đàng Năng Thạch là ở những đoạn cao trào, anh khéo léo rút ra từng phần trong bộ ba cấu thành chiếc kèn saranai, nhưng âm thanh vẫn luyến láy, “ăn nhịp” hoàn hảo với các nhạc cụ hòa tấu. Phong cách biểu diễn sáng tạo, độc đáo này khiến anh trở thành nghệ nhân được bà con làng Chăm và du khách rất yêu thích.
Truyền lửa đam mê cho lớp trẻ
Nghệ nhân Đàng Năng Thạch sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc dân gian Chăm tại làng Bàu Trúc. Cha anh, thầy vỗ (Gru Maduen) Đàng Rái, là người truyền dạy kỹ thuật đánh trống baranưng. Với niềm đam mê nhạc cụ truyền thống, anh được truyền dạy trống ghinăng và đến tuổi 25 đã thành thạo 72 bài bản, chính thức trở thành nhạc công phục vụ nghi lễ truyền thống của đồng bào Chăm.
Vì niềm đam mê với âm nhạc dân gian và nhận thức rõ trách nhiệm kế thừa, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, anh chủ động xin theo học nghệ nhân Đàng Tà, người thổi kèn saranai ở Bàu Trúc - khi thấy ông tuổi cao, sức yếu. Dưới sự truyền dạy tận tâm của nghệ nhân Đàng Tà, anh lĩnh hội được kỹ thuật lấy hơi và luyến láy, tạo nên âm thanh hòa quyện với trống ghinăng, baranưng. Đồng thời, anh cũng được nghệ nhân Đàng Guộc truyền dạy cách biểu diễn đàn kanhi.
Hiện nay, Đàng Năng Thạch là nghệ nhân duy nhất ở làng Bàu Trúc biểu diễn và truyền dạy thành thạo 4 loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm gồm: saranai, ghinăng, baranưng và kanhi. Tham gia Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, anh tích cực truyền dạy, biểu diễn nhạc cụ cho 20 thanh niên, giúp họ trở thành nhạc công sử dụng thành thạo kèn saranai, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Nghệ nhân Chăm biểu diễn vỗ trống baranưngNghệ nhân Đàng Năng Thạch chia sẻ: “Tôi đặc biệt yêu quý và kính trọng các nhạc cụ kèn saranai, trống baranưng, trống ghinăng, đàn kanhi. Chúng không chỉ là nhạc cụ thông thường mà còn mang tính thiêng liêng, được dùng trong các nghi lễ cúng tế thần linh của người Chăm. Trước mỗi lần biểu diễn, tôi đều thực hiện nghi thức cúng tế xin phép thần linh, đảm bảo âm nhạc giữ được sự trang nghiêm, linh thiêng.
Tôi đã dày công truyền dạy kỹ năng biểu diễn các nhạc cụ này cho nhiều học trò tiêu biểu như Đàng Năng Giải, Đàng Tém, Đàng Ngọc Đêm. Tôi truyền đạt tỉ mỉ các kỹ thuật như dùng đôi tay khéo léo đánh trống ghinăng, lấy hơi đúng cách khi thổi kèn saranai, kỹ thuật tinh tế kéo đàn kanhi. Mục tiêu của tôi không chỉ là dạy nghề mà còn khơi dậy niềm đam mê, giúp học trò nhận thức giá trị to lớn của âm nhạc truyền thống. Hiện nay, các học trò đã đủ khả năng đảm nhận vai trò nhạc công trong nghi lễ và chương trình văn nghệ lễ hội.
Bên cạnh biểu diễn và truyền dạy, tôi còn học chế tác trống ghinăng, kèn saranai với mong muốn góp phần bền vững vào việc gìn giữ di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.”
Nhận xét về nghệ nghệ nhân Đàng Năng Thạch, bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân khẳng định, Đàng Năng Thạch là nghệ nhân biểu diễn thành thạo các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm. Anh rất tâm huyết trong việc truyền dạy cho nhiều thanh niên trong làng, góp phần tạo nên đội ngũ nhạc công saranai, ghinăng, baranưng, kanhi.
Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng hồ sơ trình cấp trên xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về văn hóa phi vật thể, lĩnh vực trình diễn dân gian cho nghệ nhân Đàng Năng Thạch.