Nghệ nhân thực hành nghi lễ Rija
Nghệ nhân Maduen Chiêu tên thật là Hán Quân năm nay đã 75 tuổi nhưng vẫn miệt mài với công việc bảo tồn văn hóa truyền thống của người Chăm. Maduen Chiêu sinh ra, lớn lên tại làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, là một trong những làng Chăm giàu bản sắc văn hóa. Xuất thân từ dòng tộc Phun Amil Apuei có nhiều người làm chức sắc nên từ nhỏ, ông sớm tiếp xúc với các nghi lễ, phong tục, tập quán của người Chăm. Hằng đêm, ông tìm đến những gia đình đang tổ chức lễ hội Rija để xem múa, nghe biểu diễn trống ginăng, trống baranưng và kèn saranai. Ông tự học tiếng Chăm và sưu tầm các bài hát lễ Rija để học thuộc lòng. Khi lớn lên và lập gia đình, ông xin phép dòng tộc gia nhập môn phái Maduen để có điều kiện học tập và hành lễ giúp đỡ cộng đồng thực hành nghi lễ Rija.
Trong thời gian đầu nhập môn chức sắc Maduen, ông luyện tập thực hành nhạc cụ trống ginăng, tập thổi kèn saranai và làm quen với trống baranưng. Người thầy đi hành lễ ở đâu, ông cũng theo hỗ trợ, quan sát diễn biến nghi lễ và tập thực hành nghi lễ. Đối với môn phái Maduen, đòi hỏi người học trò phải kiên nhẫn, khéo tay và luyện tập nhiều loại hình nghệ thuật kết hợp như têm trầu cau, trang trí mâm lễ, xây dựng nhà lễ, sử dụng các nhạc cụ, điệu múa và hát lễ. Các ông Maduen phải thành thạo nhiều kỹ năng và sức khỏe tốt mới hướng dẫn cho các bà Rija, bà Janyeng múa lễ trong các nghi lễ của dòng tộc như Rija Dayep và Rija Praong. Đặc biệt là lễ múa Rija Praong, có dòng tộc tổ chức từ 1 đến 2 tuần liên tục, nếu chức sắc Maduen không nắm vững các bước hành lễ sẽ khó hoàn thành được công việc.
Trao truyền nghệ thuật múa Rija
Nghệ nhân Maduen Chiêu cho biết, Rija là lễ nghi truyền thống của người Chăm gồm có Rija Harei, Rija Nagar, Rija Dayep và Rija Praong, do các chức sắc Ka-ing, Maduen tham gia hướng dẫn hành lễ. Đặc điểm chung của các nghi lễ Rija là khấn lễ, hát lễ và múa dâng lễ cho các vị thần. Do đó, ông Maduen vừa thực hành các nghi lễ, vừa hướng dẫn cho bà Rija múa lễ. Nghệ thuật múa lễ Rija có nhiều động tác khó, đòi hỏi bà Rija phải kiên nhẫn luyện tập và thực hành nghi lễ hằng năm mới làm chủ được các động múa tay, di chuyển chân, sử dụng thành thạo các đạo cụ khăn, quạt múa lễ.
Nghệ nhân Maduen Chiêu đã trao truyền các điệu múa Biyen, Tiaong, Kamang, Marai (Vũ điệu bắt chước hình dáng các loài chim công, chim trĩ và các loài chim quý), múa Patra, Patri (điệu múa dâng lễ cho hoàng tử và công chúa), múa Wah gaiy (diễn tả động tác chèo thuyền). Đây là những điệu múa căn bản nhất trong nghi lễ Rija, hướng dẫn, tập múa cho bà Rija mới tôn chức và ông Maduen mới nhập môn. Ông Maduen Chiêu ân cần, tận tình chỉ dẫn từ động tác đơn giản và tăng độ khó dần theo sự tiến bộ của người học. Những học trò tập luyện cách di chuyển chân, bước chân, xoay người, cách mở quạt, đóng quạt, ngoắc quạt. Những động tác múa khăn, quấn khăn và mặc trang phục nghi lễ cho đúng cách và đẹp.
Maduen Chiêu chia sẻ, mỗi lần có nghi lễ Rija Praong, ông được mời đến hành lễ. Lúc đó, ông tạm gác các công việc tại nhà đến hỗ trợ, tham gia hành lễ cho các dòng tộc. Có những lần, ông đi nửa tháng mới về nhà. Nghi lễ Rija Praong thực hành liên tục, diễn ra nhiều ngày đêm rất vất vả. Tuy vậy, ông chưa bao giờ từ chối hành lễ cho cộng đồng.
Những lúc ở nhà, ông cần mẫn chế tác các nhạc cụ như trống ginang, trống baranưng, kèn saranai phục vụ trong các nghi lễ của người Chăm. Những nhạc cụ do ông chế tác được các hệ thống bảo tàng, nhà sưu tầm mua về để trưng bày, giới thiệu rộng rãi cho công chúng. Một số giới trẻ còn đặt hàng ông chế tác các loại trống để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật dân gian. Ngoài ra, ông cũng nhận “chữa bệnh” những bộ trống bị lỗi âm, đứt dây, rách da trống.
Ngoài việc thực hành nghi lễ Rija, nghệ nhân Maduen Chiêu còn phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng, tích cực tham gia hỗ trợ Ban Phong tục địa phương tổ chức các nghi lễ của cộng đồng. Vào dịp lễ hội, cúng cơm, ông được các gia đình, dòng tộc mời đi cúng lễ, ông luôn sẵn sàng nhận lời giúp đỡ. Ông quan niệm, giúp đỡ cộng đồng gìn giữ những tập quán văn hóa tốt đẹp chính là góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa của cha ông.