Hiện tại, mực nước ở nhiều suối lớn ở một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đã xuống sâu ảnh hưởng rất lớn đến việc tưới tiêu cho cây trồng. Điển hình, tại hồ Đan Kia – Suối Vàng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nước xuống rất thấp sát mực nước chết làm lộ ra từng mảng đất dưới lòng hồ bị nứt toác.
Tương tự, cũng do khô hạn khắc nghiệt, hầu hết cây trồng ở cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, đã khô héo. 80 ha lúa nước ở đây đã bị cháy khô, không còn khả năng cứu chữa.
Tại tỉnh Kon Tum, dự báo 3 tháng tới có nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng. Đặc biệt, là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới ở TP. Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei. Theo tỉnh này, tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là 1.777ha, gồm 783ha lúa và 994ha cà phê.
Huyện Krông Nô là vùng “rốn hạn” của tỉnh Đắk Nông, năm nay tình hình diễn ra khốc liệt hơn nhiều năm. Mực nước ở cả 33 công trình thuỷ lợi đều đã giảm sâu, một số nơi đã khô kiệt. “Huyện đang chủ động làm việc với các đơn vị quản lý các hồ, đập trên lưu vực các sông suối lớn để điều tiết nước cho các vùng sản xuất tập trung.
Tại một số huyện như Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Cư Jút… tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng cũng đang xuất hiện nhiều ngày một nhiều gây nên nỗi ám ảnh đối với hàng trăm người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Thông tin từ Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong tuần từ 9 - 15/3, cả nước có hơn 1.500 ha diện tích cây trồng chịu ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, tỉnh Bình Thuận có 909ha và Sóc Trăng có 538ha (thiệt hại hoàn toàn gần 33ha).
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình trạng khô hạn cục bộ đã xảy ra tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum và Gia Lai. Nguyên nhân do từ cuối mùa mưa lũ năm 2023 đến nay, tổng lượng mưa tại các tỉnh ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt trong tháng 1 - 2/2024 tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên nhiều nơi không mưa kéo dài, cùng với đó là nhiệt độ tại các khu vực cao hơn bình thường từ 0,5 - 1,5oC.
Trong dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, khả năng từ tháng 6 trở đi, El Nino mới suy yếu và chuyển dần sang pha La Nina với xác suất khoảng 55 - 60%.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, hiện tượng nắng nóng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mọi hoạt động ngoài trời. Đặc biệt sang tháng 5 - 6/2024, mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn. Ngoài ra, mưa lớn, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa (tháng 4 và tháng 5) có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.
Ông Mai Văn Khiêm chia sẻ, trong 1 - 2 tháng tới, hiện tượng El Nino còn tiếp diễn. Đây cũng là giai đoạn cao điểm mùa khô ở Trung Bộ, Tây Nguyên. Trời nắng nhiều hơn và nóng hơn, nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm từ 0,5 - 1,5 oC. Lượng mưa thiếu hụt 15 - 30%. Hệ quả là dòng chảy trên các sông cũng sẽ giảm từ 15 - 50% so với cùng kỳ mọi năm, có thể gây ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Từ cuối tháng 5, tình hình khô hạn ở đây sẽ giảm dần khi Tây Nguyên chuyển dần sang mùa mưa. Nhưng với khu vực Trung và Nam Trung Bộ, từ tháng 9 trở đi mới bước vào mùa mưa lũ chính vụ, do đó từ tháng 5 - 8 khô hạn có khả năng xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận. "Như vậy, tình hình hạn hán năm nay có thể gia tăng hơn năm ngoái nhưng không nghiêm trọng như mùa khô (lịch sử) năm 2015 - 2016" - ông Khiêm nhận định.
Về tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến hết mùa khô năm 2024, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (từ 24 - 27/3). Các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2024 (từ 24 - 27/3, từ 8 - 12/4, từ 25 - 29/4). Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.