Tại tỉnh Hậu Giang, nơi có nước mặn lấn sâu vào từ Biển Đông và Biển Tây, đang khẩn trương đóng các cống ngăn mặn. Huyện Long Mỹ giáp với Bạc Liêu và Kiên Giang là nơi chịu ảnh hưởng nước mặn nhiều nhất. Hiện nước mặn trên sông Ngan Dừa và sông Nước Trong độ mặn đã vượt ngưỡng 3‰ lấn sâu vào nội đồng.
Hầu hết các tuyến kênh trên vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã hoàn toàn khô cạn, tình trạng sụt lún, sạt lở đang tiếp tục diễn với quy mô và tần suất ngày càng cao. Đối với các tuyến đường đã bị sạt lở, lún nhưng còn chạy xe máy được, người dân tận dụng ghép các mảnh bê tông lại với nhau để di chuyển tạm thời.
Trong khi đó, nhiều tuyến đường bộ cũng đang trong tình trạng sụt lún, sạt lở, được chính quyền địa phương cho hạ tải. Chi phí vận chuyển lúa bằng xe máy, xe tải nhỏ trên đường bộ từ ruộng đến nơi tập kết từ 250.000 - 500.000 đồng/tấn (tùy cự ly), tăng gần gấp đôi so với vận chuyển bằng đường thủy qua các mương rạch như trước.
Tại nhiều địa phương khác của miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang... cũng thiếu nước ngọt nghiêm trọng cung cấp cho hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất của nông dân. Lúa còn xanh nhưng chân ruộng đã nứt nẻ, sự sống của cây trồng những vùng lúa các tỉnh ven biển chỉ còn tính theo ngày.
Hệ thống kênh nội đồng tại Sóc Trăng đã không còn nước để ghe, xuồng của người dân đi lại. Những dòng kênh lớn, dẫn nước chính từ hệ thống sông Cửu Long vào nội đồng "thoi thóp", cầu, cống trơ chân móng. Hoa màu không còn nước tưới cũng héo khô, đất bạc trắng. Những cánh đồng ruộng nứt nẻ do thiếu nước là hình ảnh quen thuộc của mùa khô năm nay tại miền Tây - mùa khô, xâm nhập mặn được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm.
Cánh đồng sả của người dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) được chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nhằm thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng mùa khô năm nay thiếu nước tưới nghiêm trọng nên cũng trong tình trạng héo khô.
Những ngày này, nhiều người dân trên địa bàn xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng, khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tiền (ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch), cho biết: “Người dân tập trung tìm nguồn nước ngọt, nhưng trạm cấp nước chỉ đủ cho phía đầu nguồn, phía cuối nguồn không còn một giọt”!?”.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, người dân ở các tỉnh chịu tác động của hạn mặn như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang… đã chủ động hơn rất nhiều trong việc sống chung với hạn mặn, luôn theo dõi các thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn, từ đó đã chủ động tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, lượng nước trữ trong từng hộ dân còn hạn chế và khó đáp ứng đủ nhu cầu; đặc biệt trong những năm hạn mặn gay gắt như năm nay mà chủ yếu tập trung cho sinh hoạt và chăn nuôi.
Theo các nhà khoa học, để giảm lượng nước bốc hơi, nông dân nên chủ động phủ rơm vào các gốc cây để giữ ẩm. Đặc biệt ở vùng nguy cơ xâm nhập mặn, nông dân nên kiên quyết không tiếp tục xuống giống lúa vụ tiếp theo để tránh thiệt hại.