Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam, các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên môi trường số. Đặc biệt, thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch…trên mạng internet ngày càng trở nên nghiêm trọng. Không chỉ là những công dân “nhấn nút chia sẻ” một cách vô thức mà ngay cả các nhà báo/chuyên gia truyền thông cũng chia sẻ thông tin hoặc viết/đăng một bài báo dựa trên thông tin chưa được xác minh, chưa được biên tập. Do đó, việc cung cấp kiến thức kỹ năng cho báo chí trong môi trường số hiện nay là vô cùng cần thiết.
Vì vậy, Hội thảo lần này nhằm nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức cho các nhà báo, các nhà quản lý đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số. Hội thảo cũng đưa ra báo cáo khuyến nghị về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc xây dựng mạng lưới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức báo chí trên môi trường số hướng tới mục tiêu chung của UNESCO về bảo vệ và xây dựng năng lực cho các nhà báo. Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên UNESCO trong việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc đạo đức báo chí để thích ứng trong môi trường số trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị về Bộ quy tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam.
Hội thảo tập trung thảo luận 04 chủ đề chính: Khái niêm đạo đức báo chí và hệ quả; Kỷ nguyên số, truyền thông đa phương tiện mới và sai phạm thường gặp khi đưa tin trên mạng; Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại châu Âu và một số nước thành viên UNESCO; Thực tiễn triển khai các quy định liên quan đến đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam.