Bỏ học vì không còn chính sách hỗ trợ
Năm 2020, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè về đích NTM. Theo đó, khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng nghĩa với việc từ năm học 2021 - 2022 này, học sinh các trường trên địa bàn xã sẽ không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ như tiền ăn bán trú, học phí…
Để người dân hiểu và tiếp tục cho con em tới trường khi chính sách hỗ trợ không còn, theo ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, các đơn vị trường học tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục cho con em mình tới lớp, tới trường.
Tuy nhiên, rất nhiều bà con nghĩ, dù xã đã về đích NTM, nhưng chính sách vẫn có thời gian kéo dài, tương tự như trường hợp ở thị trấn Mường Tè, xã Bum Nưa về đích NTM nhưng các em vẫn được hưởng các chính sách. Trên thực tế, thời điểm đó là chưa có Quyết định 861 nên các em học sinh vẫn tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ do các xã này vẫn thuộc xã vùng III.
Chính vì vậy, sau ngày khai giảng, các trường học trên địa bàn xã Thu Lũm tổ chức họp phụ huynh thông báo về việc Quyết định 861 có hiệu lực, một số chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào đi học sẽ không còn, nên rất nhiều phụ huynh thấy bất ngờ và lo lắng khi phải thực hiện việc đóng góp cho con em ăn bán trú…
“Ngay sau đó đã có gần 300 học sinh bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, chủ yếu là người dân tộc Hà Nhì được phụ huynh đưa về nhà, không tiếp tục tới trường nữa. Phòng GD&ĐT huyện đã cùng với cấp ủy, chính quyền xã, giáo viên các trường học tới từng nhà tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục đưa con em mình tới trường. Đến thời điểm này, cơ bản gần 300 học sinh đã trở lại trường học”, ông Sơn cho biết.
Thực hiện Quyết định số 861, năm học 2021 - 2022, số trẻ Mầm non trên địa bàn huyện không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND là 718 em; số học sinh Tiểu học và THCS không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ/CP là 359 học sinh; số học sinh THCS không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND là 37 em.
Ông Tống Thanh SơnTrưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè
Cũng theo ông Sơn, trước mắt về hỗ trợ trang thiết bị học tập, lương thực, thực phẩm ăn bán trú cho học sinh, ngành Giáo dục huyện tăng cường nguồn xã hội hóa, huy động từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với bậc Tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện đã xây dựng phương án điều động giáo viên về các điểm trường mở lớp học như trước đây. Vì về lâu dài, nếu Nhà nước không còn chính sách hỗ trợ và việc huy động nguồn lực XHH giáo dục không đảm bảo duy trì thường xuyên, thì huyện cũng sẽ phải mở lại các điểm trường này, thay vì việc huy động học sinh ra các điểm trường chính học tập.
Cần có chính sách đặc thù thay thế
Tương tự, tại huyện Phong Thổ, thực hiện Quyết định 861, có khoảng 1.380 học sinh các cấp không còn hưởng các chế độ chính sách từ năm học mới 2021 - 2022. Thời gian qua, Chính quyền địa phương, ngành Giáo dục huyện đã chủ động thông tin tuyên truyền đến người dân, phụ huynh, các em học sinh. Trong lúc chờ những giải pháp khả thi, cũng như sự đồng thuận của cộng đồng, địa phương cũng đã thực hiện linh hoạt các giải pháp.
Ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết: Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với chính quyền các xã, đơn vị trường học đến từng hộ gia đình tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân hiểu và quan tâm đến con em mình bằng việc mua sắm giấy vở viết và sách giáo khoa…
Bên cạnh đó, các trường cũng đang thực hiện linh hoạt một số giải pháp như: với gia đình khó khăn về tiền mặt, phụ huynh có thể nộp nhu yếu phẩm khác (rau, bí, hoa quả, chất đốt) để bổ sung kinh phí…
Trước những thay đổi về chính sách trong năm học mới này, Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ sở giáo dục, tích cực tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về cơ hội, cũng như những khó khăn trước mắt, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thích nghi đi học không còn hưởng chính sách hỗ trợ.
Tuy vậy, đây là giai đoạn đầu mới chuyển giao từ xã khó khăn sang xã NTM, nhiều gia đình chưa có chuẩn bị các điều kiện để cho các con tham gia học tập. Hiện Sở đang tiếp tục chỉ đạo các trường sát sao, gần gũi với phụ huynh học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; cũng như khó khăn của các gia đình, kịp thời có hướng giải quyết.
"Để kịp thời tham mưu chính sách hỗ trợ học sinh, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn, rà soát những học sinh gặp khó khăn trong giai đoạn đầu mới chuyển từ khu vực III, II sang khu vực I, để đề xuất với UBND tỉnh xem xét ban hành một số chính sách đặc thù, phù hợp, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các em tham gia học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới”, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết.