Canh cánh nỗi lo
Vừa mới bước qua nắng hạn, người dân miền Trung đã “bập” ngay vào mùa mưa bão. Chẳng năm nào giống năm nào, nhưng mỗi mùa mưa đến là nước cứ thế giăng trắng đồng trắng bãi, núi lở, nhà trôi… Bao nhiêu của nả tích cóp một năm cần mẫn, bao nhiêu nỗ lực gắng gượng sau thiên tai… phút chốc khiến người nông dân trắng tay vì bão lũ.
Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) từng trao đổi với chúng tôi đầy nỗi niềm: Đại phương Kì Sơn có độ dốc lớn, dễ sạt trượt nên mỗi mùa mưa bão đến là một mùa lo âu, phấp phỏng. Chẳng thể ăn ngủ yên khi chỉ cần mưa liên tục chừng 1 tiếng đồng hồ là đã có thể xảy ra lũ ống, lũ quét và có thể gây sạt lở do đất bị nhão.
Những ngày mưa lũ 2020, tôi đã tác nghiệp ở một trong những nơi thảm khốc nhất của thiên tai – khu vực sạt lở Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Những người dân sống sót sau vụ sạt lở ở Trà Leng có lẽ sẽ không thể quên được kí ức kinh hoàng khi cả ngọn đồi cạnh hông đổ ập xuống một cụm dân cư.
Cụ Hồ Văn Đề, một người dân ở Trà Leng từng kể: "Năm mô mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng. Dân bản lo lắm, bất an lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn. Vụ sạt lở đất thật quá kinh hoàng".
Nỗ lo trước mùa mưa bão đã nhập vào tâm trí, vào suy nghĩ như một lẽ tự nhiên. Lo đấy, bất an đấy và cả chuẩn bị rất chu đáo để ứng phó, nhưng thiên tai rất thất thường nên hậu quả vẫn nặng nề.
Ông Hà Sỹ ĐồngPhó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
Suốt cả dải miền Trung nghèo khó, mỗi mùa mưa bão về như một túi nước khổng lồ. Nhìn từ những năm gần đây và nhất là thực trạng thiên tai năm 2020 cũng đã đủ để nói lên sự khốc liệt của mưa lũ đến mức nào.
Hơn 30 nghìn tỷ đồng là con số đo đếm được về mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với miền Trung trong năm qua mà Bộ NN&PTNT nêu ra. Nhưng 249 người chết và mất tích cùng những nỗ lực vượt bậc để tái thiết sau thiên tai là những con số không hề nhỏ nhưng lại không thể đo đếm bằng định lượng.
Nếu xét tổng quan về các giải pháp phòng chống thiên tai, thì vẫn còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết. Công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai của các tỉnh miền Trung nói riêng, cả nước nói chung vẫn chưa thực sự chính xác ở nhiều thời điểm. Phương án phòng ngừa, ứng phó của nhiều địa phương chưa tốt nên khi xảy ra thiên tai vẫn còn lúng túng.
Thời gian gần đây, nổi lên tình trạng vận hành liên hồ chứa của các công trình thủy điện trên sông Mã nhiều thời điểm chưa phù hợp. Công tác quản lý Nhà nước các công trình phòng chống thiên tai nhiều nơi còn chưa hiệu quả, đơn cử như còn để xảy ra tình trạng hút cát trái phép gây sạt lở, tình trạng xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải làm hư hỏng hệ thống đê điều...
Cần giải pháp căn cơ
Trao đổi với lãnh đạo các tỉnh miền Trung, chúng tôi được biết các địa phương đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng với kế hoạch chi tiết cụ thể trước mùa mưa bão. Thậm chí, các tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) hàng năm, phân công lãnh đạo phụ trách, đôn đốc từng địa bàn… nhưng vẫn “bất lực” trước cơn cuồng nộ thiên nhiên.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, ông Mai Văn Minh, cho biết: Trước mùa mưa bão hàng năm, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và hoa màu, ngành đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; đồng thời tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch, phương án cụ thể để đối phó.
Lời ông Minh, chúng tôi cũng đã được nghe rất nhiều lãnh đạo ở các tỉnh miền Trung chia sẻ. Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả, các địa phương đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.
Đồng thời, các địa phương cũng dã tập trung chỉ đạo ở các địa bàn xung yếu, đối tượng dễ bị tổn thương như: người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em; củng cố mạng lưới dự báo, cảnh báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm việc trực ban 24/24 giờ và thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ; vận động Nhân dân chuẩn bị thuyền nan, gia cố nhà cửa và dự trữ các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, các nhu yếu phẩm khác để đối phó và khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.
“Đến hẹn lại lo” mặc dù các địa phương đã chủ động phương án, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi mùa mưa bão về; đồng thời các ngành chức năng cũng đã vào cuộc khá quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, tại một vài nơi, tình trạng ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống lũ quét gây chia cắt vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, thiết nghĩ vẫn cần phải có những giải pháp căn cơ hơn nữa, để người dân đang sinh sống trong vùng bị sạt lở, vùng “dễ bị tổn thương” yên tâm, ổn định cuộc sống.