Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian gần đây, thiên tai diễn biến rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Công tác PCTT sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp.
Từ năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cũng đã ban hành các văn bản, hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh. Tại Hội nghị về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai việc rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn. Đặc biệt, cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Để chủ động ứng phó, Tổng cục PCTT - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với tổ chức UNICEF tại Việt Nam, tổ chức tập huấn trực tuyến, hướng dẫn xây dựng kế hoạch PCTT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, với mục tiêu nhằm hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, bảo đảm mục tiêu chống dịch. Buổi tập huấn sẽ giúp các địa phương chủ động xây dựng được kế hoạch, phương án ứng phó với từng kịch bản thiên tai phù hợp, góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Thanh An, đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tới từng khía cạnh của cuộc sống từng gia đình và từng người dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất như trẻ em. Theo đánh giá nhanh của UNICEF thì trong thời gian giãn cách xã hội, số trẻ em tới tiêm chủng ở các trạm y tế xã đã giảm hơn 2/3 so với trước đây. Về khía cạnh dinh dưỡng, chất lượng và số lượng bữa ăn của nhiều trẻ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch, đặc biệt là những nhóm trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ DTTS, trẻ em trong các gia đình nghèo, cận nghèo và khó khăn, hay trẻ em trong các khu vực bị phong tỏa.
“Thiên tai và tác động của biến đối khí hậu đã trở thành gánh nặng kép, làm trầm trọng hơn tác động của Covid-19 đối với các hộ gia đình, đặc biệt hộ gia đình có trẻ em thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất”, bà An khẳng định.
Tại buổi tập huấn, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Nguyễn Văn Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm dự báo sẽ có khoảng từ 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Để bảo đảm công tác chuẩn bị ứng phó bài bản, có hiệu quả, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các cấp chính quyền, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh/thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Văn bản số 60/TWPCTT ngày 11/5/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT về việc rà soát, chủ động phương án sẵn sàng bảo đảm an toàn PCTT trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp.
Các địa phương chủ động xây dựng các Kế hoạch ứng phó với các phương án cụ thể, đặc biệt trong trường hợp phải sơ tán dân khi thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; bảo đảm cơ sở vật chất về y tế, lực lượng xung kích và bảo đảm tránh lây lan dịch bệnh, giữ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Đồng thời, chú trọng công tác thông tin, truyền thông trong PCTT, bảo đảm mỗi người dân đều nắm được các hướng dẫn kỹ năng an toàn trong bối cảnh “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh Covid-19 xảy ra.