Tháng 12 là thời điểm mùa Đông đã phủ kín núi rừng với cái lạnh cắt da, cắt thịt, sương mù dày đặc. Nhất là khi mặt trời xuống núi, cái lạnh phủ xuống bản làng khiến cho người vùng cao không ai muốn rời khỏi bếp lửa và cũng không muốn ra khỏi nhà nữa. Ấy vậy mà tại nhà văn hóa thôn Lao Chải, thôn xa nhất của xã Trịnh Trường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nơi có 100% đồng bào Hà Nhì sinh sống. Khi mặt trời đã đi ngủ từ rất lâu, các chị, các mẹ, các anh sau khi hoàn thành việc chăm lo bữa tối cho gia đình mới bắt đầu cắp sách đến lớp.
Tại đây, chúng tôi được cảm nhận một không khí học tập sôi nổi, những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười ấm áp, không gian được làm ấm lên bởi những tiếng đọc bài, trao đổi giữa các học viên với thầy giáo của mình. Chị Lý Mờ Chụ là học viên lớn tuổi nhất trong lớp hồi tưởng, trong ký ức của chị thì nhà có em nhỏ, bố mẹ đẻ nhiều con, bản thân chị lại là con gái nên không được cho đi học, chỉ ở nhà trông em, làm việc nhà nên không biết chữ.
Lớn lên thì đi lấy chồng, sinh con, năm nay đã bước sang tuổi 45, lần đầu tiên được cắp sách đến lớp chị cảm thấy vui mừng đến lạ. Qua những ngày đầu còn lóng ngóng chưa biết cầm bút, nét chữ còn nguệch ngoạc, đến hôm nay chị đã biết viết tên mình, tên của các thành viên trong gia đình. Với chị đó là một kỳ tích. Khi nói lời cảm ơn các thầy giáo, các cán bộ đã cho chị được đi học dường như khóe mắt chị đã nhòe đi...
Còn anh Sần Thó Che, học viên nam duy nhất của lớp, ngập ngừng chia sẻ, lúc đầu khi được vận động đi học bản thân anh rất e ngại. Bởi cả lớp có 20 học viên mà chỉ có mình anh là nam giới, sợ chị, em sẽ cười chê... Sau khi được cán bộ thôn và người thân trong gia đình động viên, vượt qua mặc cảm của bản thân, anh Che đã quyết tâm đến lớp và trở thành một trong những học viên khá của lớp. Anh bộc bạch: “Ngày xưa thì gia đình rất khó khăn, cái ăn còn chẳng đủ nên bố mẹ không cho đi học, không biết chữ. Bây giờ được các thầy giáo giảng dạy, biết đọc một tí, biết viết một tí, biết cộng, trừ, nhân, chia nên đi chợ bán con gà, con lợn đã biết tính toán, không sợ bị người ta bắt nạt nữa”.
Tương tự như chị Chụ, anh Che, tất cả các chị ngồi trong lớp học này đều nằm trong độ tuổi từ 18 đến 45, thuở ấu thơ đều vì điều kiện gia đình khó khăn đã không được đến lớp. Các chị có một khát khao là học để biết cái chữ, học để bằng chị bằng em, học để hiểu, học để làm người công dân tốt.
Lớp học này do thầy giáo Nông Văn Quân - giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Trịnh Tường và Thượng úy Bùi Trung Hiếu - Đội trưởng Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Trịnh Tường) luân phiên giảng dạy. Với các học viên, hai người vừa là thầy, vừa là người thân, vừa là bạn, những người đã chạm được đến góc khuất trong sâu thẳm suy nghĩ của các học viên, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti để đến với lớp học, học tốt, từ những người không biết chữ họ đã “xóa mù” thành công.
Lớp học xóa mù chữ xã Trịnh Trường không đơn thuần chỉ là học chữ, học số mà đã trở thành “ngôi nhà thân thiện” để học viên và giáo viên cùng chia sẻ những hiểu biết về cuộc sống, về tình người, về những điều tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước ta dành cho đồng bào mình, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau. Ở đây, ngay tại lớp học này một mùa Đông “ấm áp” đang về.