Trước khi tổ chức Lễ vía Mụ Thố, gia chủ thường nhờ ông Mo chọn ngày lành tháng tốt để làm vía. Người con dâu cả sẽ đội nón chống gậy cầm ớp khọ (giỏ đựng hạt) đi xin gạo, xin vải của hàng xóm với ý nghĩa mong muốn nhận được sự đùm bọc, chở che của xóm giềng đối với người già. Cùng lúc đó, người con trai trưởng trong gia đình (chồng cô dâu) sẽ đi vào rừng tìm cây si (là vị thần sức sống) đem về nhà để chuẩn bị tiến hành nghi lễ. Khi trời xẩm tối, Lễ vía Mụ Thố được bắt đầu.
Cỗ cúng trong ngày Lễ vía Mụ Thố thường được sắp đặt 5 mâm để cúng 5 vị thần khác nhau. Trên các mâm cúng đều có xôi, rượu, vải, tiền đặt lễ, đồ chay. Bên cạnh các mâm cúng là một cái rá đựng cành si và các vật dụng làm lễ khác như cuốc, nón, quần áo. Ông mo khăn áo chỉnh tề thắp hương khấn mời mụ thố về. Khi biết bà mụ đã xuống chứng giám, ông mo thay mặt bà mụ đội nón tay cầm mảnh vải viết lên sổ trạng xin được thêm số, thêm phận cho người già đang đau ốm.
Viết sổ trạng xong, người nhà một sợi dây được buộc vào cành si để tiến hành nghi lễ kéo si, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong buổi lễ. Ông mo vừa khấn vừa gọi con cháu đến cùng kéo cây si dậy để cây si mãi chắc gốc bền cành, để người sống lâu trăm tuổi. Lúc này con cháu cùng xúm vào kéo, mỗi nhịp kéo, mọi người lại đồng thanh “ hò....hơ” cho đến khi cây si dựng vững chắc mới thôi.
Cây si được dựng lên vững chắc, ai nấy trong gia đình cảm thấy trong lòng thư thái. Người già trong nhà thì cảm thấy yên lòng, yên dạ, tinh thần sảng khoái như được tăng thêm sinh lực. Làm lễ xong, ông Mo tuyên bố kéo si đã lành, xanh lá gốc, lá ngọn, con cháu cùng mời ông bà ngồi xuống quây quần bên mâm cỗ thụ lộc của thần linh.
Hiện nay, Lễ vía Mụ Thố vẫn được đồng bào Mường tổ chức khi gia đình có người già đau ốm. Ngoài ý nghĩa tâm linh, nghi lễ này còn thể hiện sự gắn kết hoà đồng giữa con người và thiên nhiên.