Lễ cúng mở kho lúa là một trong những nét đẹp về văn hoá về tín ngưỡng của đồng bào H’rê ở huyện vùng cao An Lão (Bình Định). Lễ cúng mang đậm tính nhân văn, có tính giáo dục con người biết trân quý những thành quả lao động do mình làm ra. Đến ngày nay, lễ cúng này được đồng bào giữ gần như nguyên vẹn.
Người H’rê ở huyện An Lão cho rằng, vạn vật trên đời đều tương quan với nhau, mỗi một sự vật, hiện tượng đều có các vị thần cai quản. Trong sản xuất nông nghiệp, thì có thần lúa, thần nước, thần kho, thần rừng, thần mưa, thần đất…
Hằng năm, vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch, sau một thời gian khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem cất kỹ trong kho, cũng là lúc các gia đình người H’rê làm lễ mở kho lúa. Đây là một nghi lễ được bảo tồn từ nhiều đời nay của đồng bào H’rê, nhằm xin thần kho, thần lúa đừng hoảng sợ, cầu mong các vị thần luôn ở lại, che chở để gia đình luốn ấm no, đủ đầy. Nghi lễ cũng là dịp để người dân quây quần, đoàn tụ nhằm cầu mong một mùa mới yên ổn, bội thu.
Theo thầy cúng Đinh Văn Ét, một người có kinh nghiệm trong việc thực hiện các nghi lễ của làng, lễ cúng được thực hiện tại kho lúa và tại nhà của gia chủ. Lễ cúng thường diễn ra vào buổi sáng sớm, gia chủ chọn ngày đẹp, không khí trong lành, nhiều người tụ tập lại để chuẩn bị lễ cúng.
Thông thường, trước khi tổ chức lễ cúng, gia chủ dọn dẹp lại kho lúa, quy tụ mọi người lại để chuẩn bị. Vật dùng để cúng gồm 1 con gà trống, 1 cái sạp (p’roang) được đan bằng cây đót trên phủ lá cà te; 1 ché rượu cần nhỏ, 1 cặp pa nấy, 1 cái Ka đáp, 2 thẻ cây loang Krooc, trầu cau, gạo, 1 chai rượu nhỏ, 3 cái ly...
Để chuẩn bị cho lễ cúng, gia chủ sẽ làm thịt một con gà lớn, tiếp đến dâng rượu để mời thầy cúng làm phép. Thầy cúng sẽ thực hiện nghi lễ làm phép trên chén rượu, sau đó uống chén rượu và bắt đầu vào lễ cúng. Thầy cúng lấy một ít lông trên cổ gà bỏ vào cái sạp, dùng tiết gà pha với rượu để vẫy lên kho lúa và đọc bài khấn: “Hỡi thần Lúa, thần Kho. Ta báo với thần cơm, thần lúa, ta bắt đầu xuất lúa kho nhà. Chúng tôi ăn lúa một kho này, chúng tôi ăn cho đủ năm giáp vụ, chúng tôi cho khách ăn đủ, số lúa thừa ta để lại mùa sau…”.
“Khấn xong, thầy cúng xin các thần chứng giám cho lễ vật cùng lời cầu nguyện của gia đình mong một năm ấm no, đủ đầy. Hoàn tất lễ cúng, gia chủ sẽ dùng dụng cụ xúc lấy một ít lúa trong kho đem về nhà giã cốm. Đến hôm làm lễ cúng xong, gia chủ mới có thể xuất lúa khỏi kho đem sử dụng. Đồng bào H’rê quan niệm, nếu không có các lễ cúng mà xuất lúa ra khỏi kho thì dễ kinh động các vị thần và dễ bị quở phạt”, ông Ét chia sẻ thêm.
Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, mọi người trong gia đình quây quần xung quanh cùng nhau ăn cốm, ăn thịt, uống rượu và hát hò vui vẻ. Mọi người đều tin rằng các vị thần, tổ tiên sẽ phù hộ cho họ một năm yên ổn, có nhiều sức khoẻ, mùa màng bội thu. Đặc biệt, cũng trong dịp này, nhịp cồng chiêng lại vang lên, kèm đó là những điệu múa xoang truyền thống của đồng bào H’rê như góp thêm phần bảo tồn các nét đẹp văn hoá của họ.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Châu Anh Tế, Trưởng phòng Văn hoá Thể thao huyện An Lão, cho biết: Lễ cúng mở kho lúa có hai phần gồm phần lễ cúng và phần hội sau đó. Đối phần lễ cúng, người dân sẽ chuẩn bị các lễ vật như gà, heo, rượu cần và một số vật phẩm khác và sau đó sẽ tiến hành cúng theo nghi lễ truyền thống từ trước đến nay. Phần hội sau đó là người dân tập trung ăn cốm, uống rượu cần, nhảy múa theo điệu cồng chiêng, múa xoang.
Cũng theo ông Châu Anh Tế, lễ cúng kho lúa là nét đẹp văn hoá của đồng bào H’rê từ xa xưa đến nay. Đến nay, đồng bào H’rê huyện An Lão vẫn giữ gìn nét đẹp văn hoá về tín ngưỡng này. “Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu đưa không gian lễ cúng mở kho lúa đến gần hơn với công chúng. Việc này, không chỉ nhằm mục đích bảo tồn văn hóa dân gian của đồng bào H’rê, mà còn có thể phục vụ cho khách du lịch, từ đó phát triển kinh tế đời sống của người dân vùng cao”, ông Châu Anh Tế cho biết thêm.