Già làng A Jring Đeng (66 tuổi), làng Kon Brắp Du cho biết, mặc dù Et Đông chỉ diễn ra có vài ngày nhưng mọi gia đình đều chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Một số trai trẻ được già làng phân công vào rừng chặt le, sâm lũ về làm cổng để đón hồn lúa về làng. Đồng bào còn làm những cây nêu bằng thân cây le, phần vỏ cây le được cạo để tạo thành những sợi dài, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của cây lúa.
Ngày đầu tiên tổ chức Lễ ở quy mô gia đình, đồng bào chuẩn bị lễ vật và cúng ở rẫy lúa, mời Giàng cùng ông bà tổ tiên về vui Lễ hội cùng con cháu.
Để chuẩn bị các lễ vật cho Lễ Et Đông ở quy mô cả cộng đồng làng, các gia đình đều chuẩn bị ché rượu, con dúi, 1cuộn sợi chỉ, 1 bó lá chuối tươi, ống lồ ô, tranh tươi để gùi lên nhà Rông. Sáng sớm, 1 hồi trống dài vang lên từ phía nhà Rông, chủ mỗi gia đình chọn 1 trẻ nhỏ nhanh nhẹn đi cùng mang phẩm vật về nhà Rông. Già làng là người đến sớm nhất để đặt ghè rượu quý có cắm con dúi vào vị trí trung tâm rồi trang trí, buộc dây vào cây cột.
Các gia đình mang ghè rượu vào sau, họ dùng lá chuối tươi lót sàn, sau đó dùng lá peng (một loại lá rừng) để gói gạo. Trong gia đình có bao nhiêu người thì gói bấy nhiêu hạt gạo. Người Ba Na quan niệm, sau khi kết thúc Lễ Et Đông, số hạt gạo trong gói còn nguyên là gia đình bình an, còn nếu như mất đi một vài hạt gạo là điềm báo không tốt.
Khi các gia đình đã chuẩn bị xong, già làng lại đánh một hồi trống dài báo hiệu lễ thức thỉnh Giàng bắt đầu, mọi người đồng loạt mở nắp ghè rượu, đổ nước vào. Già làng ngồi tại vị trí trung tâm nhà Rông, tay cầm cuộn chỉ cột sợi dây từ ghè rượu của mình rồi chuyền sang cho các gia đình lần lượt cột vào ghè rượu và cây cột dành riêng cho mình. Họ lấy lá chuối tươi bó sợi chỉ lại để đề phòng lửa bén làm đứt chỉ, sẽ là điều không may. Đây được coi là sợi dây thông linh chuyển thông điệp chung của dân làng tới các vị thần, ông bà tổ tiên, vừa là sợi dây đoàn kết các gia đình trong cộng đồng.
Tiếp đến, già làng làm một số nghi thức như: Lấy rượu trong từng ghè đổ vào một ống nứa, lấy một miếng da trên đỉnh đầu của con dúi, đem xâu lại thành chuỗi rồi cột vào góc thiêng của nhà Rông để dâng lên Giàng.
Các gia đình ngồi cúng tại ghè rượu của gia đình, sau đó lấy một ít rượu cần đưa ra trước cửa nhà Rông để mời “ma”, rồi lần lượt đổ rượu vào cái phễu lá chuối và đi đến không gian thiêng, nơi già làng vừa đặt chén rượu, da dúi để hành lễ.
Sau nghi lễ cúng Giàng, mọi người trở về nhà mình ăn cơm cúng tại nhà. Khi tiếng trống của già làng cất lên tại nhà Rông, mọi người lại tập trung về đây cùng uống rượu lễ, cuộc vui kéo dài đến tận tối. Kết thúc ngày thứ nhất, con dúi được đưa lên trên dàn thờ, là khu vực linh thiêng ở chính giữa nhà Rông.
Bước sang ngày thứ hai, mọi người cùng uống rượu để đưa linh hồn ông bà, tổ tiên về trời. Gần cuối buổi chiều, già làng và một số thanh niên lên khu vực thiêng khấn xin các thần cho dân làng đem con dúi xuống. Các gia đình đều đưa một cóc (chén) rượu, một ít thức ăn lên không gian thiêng với hy vọng Giàng sẽ mang lại sự may mắn cho họ.
Con dúi sau đó được đem xuống và cắm ở trung tâm nhà Rông, nơi đặt ghè rượu của già làng. Các chủ hộ lần lượt đem con dúi của mình về xẻ thịt, chế biến, chia đều cho mọi thành viên tham dự và khách. Mọi người cùng ăn uống, trao đổi về công việc trong thời gian tới. Đến cuối ngày, phần xương đầu của con dúi được buộc vào que le và cắm ở khu vực thờ chính giữa nhà Rông. Nghi thức này vừa thể hiện lòng thành kính của dân làng đối với con vật thiêng, đồng thời cũng là lời thông báo đến các thần linh rằng: Lễ hội Et Đông đã kết thúc.
Khi các gia đình đã chuẩn bị xong, già làng lại đánh một hồi trống dài bao hiệu lễ thức thỉnh Giàng bắt đầu, mọi người đồng loạt mở nắp ghè rượu, đổ nước vào. Già làng ngồi tại vị trí trung tâm nhà Rông, tay cầm cuộn chỉ cột sợi dây từ ghè rượu của mình rồi chuyền sang cho các gia đình...