Thứ trưởng Y Thông phát biểu khai mạc Hội thảoPhát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Y Thông cho biết: Thực hiện Quyết định số 1220/QĐ-TTg ngày 18/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025 - 2030, Bộ Dân tộc và Tôn giáo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo "Quy trình kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc".
Theo Thứ trưởng Y Thông, kiểm tra là công việc thường xuyên, không thể thiếu trong một chu trình quản lý, kiểm tra để xem công việc được thực hiện như thế nào, qua đó, đôn đốc, nhắc nhở hoặc hướng dẫn mọi người thực hiện cho đúng, cho tốt. Kiểm tra cũng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những bất cập để điều chỉnh cho phù hợp, thấy được khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trường hợp có vi phạm rõ ràng thì tiến hành xử lý ngay để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Nếu vụ việc phức tạp hoặc vi phạm lớn, người kiểm tra không đủ thẩm quyền hay điều kiện để làm rõ và xử lý thì có thể đề nghị tiến hành thanh tra.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đang được các các bộ, ngành, địa phương quyết tâm triển khai, thực hiện và sớm hoàn thành giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Đồng bộ với quá trình triển khai thì việc kiểm tra để đánh giá chính xác hiệu quả tổ chức, thực hiện Chương trình là một khâu tất yếu của chu trình quản lý chính sách dân tộc.
Toàn cảnh Hội thảoHiện nay đối với hoạt động thanh tra đã có Luật Thanh tra và các văn bản dưới luật điều chỉnh, nhưng chưa có luật nào điều chỉnh về hoạt động kiểm tra. Các quy định về quy trình kiểm tra nói chung và kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc nói riêng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nên việc tổ chức kiểm tra chính sách dân tộc ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị còn chưa thống nhất, đồng bộ.
Để công tác kiểm tra chính sách dân tộc được hiệu quả, khoa học, thống nhất trong toàn ngành thì việc ban hành Quy trình kiểm tra chính sách dân tộc là thực sự cần thiết và đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quyết định số 1220/QĐ-TTg ngày 18/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025 - 2030.
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảoTheo đó, Dự thảo quy định gồm có 3 chương, 23 điều, quy định về phạm vi, trình tự thủ tục kiểm tra và điều khoản thi hành...
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá, góp ý về các nội dung căn bản như: Các bước tiến hành một cuộc kiểm tra; thời hạn, nội dung kiểm tra, phạm vi giới hạn, sản phẩm đầu ra của cuộc kiểm tra. Thành phần tham gia đoàn kiểm tra, các tài liệu cần thiết cho mỗi bước, các biểu mẫu trong hoạt động kiểm tra…