Trong chuyến công tác tại Tuyên Quang, chúng tôi có dịp ghé thăm ông Nguyễn Văn Hoàn, người đã nổi tiếng gần xa cùng với những chiếc máy tự sáng chế của mình. Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến nhà ông Hoàn cuối thôn Tiền Phong (xã Phú Lâm), ngay từ ngoài cửa đã nhìn thấy ngổn ngang sắt thép, que hàn điện, ống nhựa, động cơ xe máy…
Tiếp chúng tôi trong khu xưởng của mình, ông Hoàn kể, gia đình ông có hơn 12ha chè, từ năm 2010, gia đình ông và bà con trong xã chuyển đổi sản xuất chè đại trà sang sản xuất chè sạch, đặc sản. Theo đó, để sản xuất ra sản phẩm sạch, người nông dân tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ công việc phải làm thủ công. Trong đó, việc bắt sâu hại trên cây chè bằng tay là công việc tốn nhiều thời gian, công sức nhất nhưng hiệu quả không cao. Chính vì thế, ông đã lên ý tưởng thực hiện chiếc máy đầu tiên của mình, máy hút sâu chè.
“Mới đầu làm, tôi không nhớ nổi mình đã thất bại bao nhiêu lần. Nhiều lúc đem máy ra thử nghiệm, chẳng những không hút được sâu mà còn làm hỏng hết cả búp chè”, ông Hoàn cười nói.
Tuy nhiên, trời không phụ lòng người, nhờ những cố gắng của bản thân, cùng những kiến thức trên sách, báo, cuối cùng thì chiếc máy hút sâu chè của ông Hoàn cũng ra đời. Chiếc máy này không chỉ hút được các loại sâu hại như rầy xanh, bọ xít muỗi, sâu ăn lá... trên cây chè mà còn có thể áp dụng trong canh tác rau sạch.
Tiếp nối thành công từ chiếc máy hút sâu, ông Hoàn lại tiếp tục lên ý tưởng và thực hiện cải tiến rất nhiều loại máy khác như máy bón phân tra hạt, máy bốc mía hay máy nhổ sắn… Đặc biệt nhất phải kể đến chiếc máy gieo hạt “4 trong 1”, chiếc máy này có thể thực hiện gieo hạt, đánh rạch, lấp rạch và bón phân.
Ông Hoàn cho biết, máy có thể gieo được nhiều loại hạt với kích cỡ và số lượng khác nhau như ngô, đậu xanh, đậu nành, lạc... Đặc biệt máy giúp giảm nhân công, sức lao động trên một diện tích đất. Đối với những loại hạt có mật độ gieo trên 15cm như đậu nành, ngô thì 1 nhân công có thể gieo được 2 mẫu/ngày. Đối với loại hạt có mật độ gieo dưới 10cm như đậu xanh thì 1 nhân công có thể gieo được 1,5 mẫu/ngày.
Không chỉ say mê, sáng tạo trong chế tạo, cải tiến máy móc, ông Hoàn còn được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh. Hiện, gia đình ông trồng hơn 2ha chè, 6ha keo, mía và cây ăn quả như cam, bưởi trên đất đồi… cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Được biết, với những phát minh sáng chế của mình, ông Hoàn đã nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi nhà nông sáng tạo; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng hội viên nông dân xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm 2005 đến 2009; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho sáng chế “Lưỡi dao máy đốn chè hình chữ S”, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam năm 2016...