Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chia buồn và bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Trong một thế giới liên tục thay đổi, Nữ hoàng Elizabeth II là sự hiện diện vững chắc và nguồn an ủi cũng như niềm tự hào của nhiều thế hệ người Anh. Di sản của bà in đậm trong những trang sử của nước Anh và trong câu chuyện về thế giới chúng ta."
Trong một thông điệp gửi tới Vua Charles III, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ niềm tiếc thương và chia sẻ nỗi mất mát với bản thân ông Charles III cũng như với đất nước và người dân Anh. Nhà lãnh đạo Nga ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II là một người được người dân yêu mến và kính trọng, có được sự tín nhiệm lớn trên vũ đài thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Nữ hoàng Elizabeth II đại diện cho tính liên tục và thống nhất của nước Anh trong hơn 70 năm qua. Bà là một người bạn của nước Pháp, một nữ hoàng nhân hậu, người đã để lại dấu ấn lâu dài cho đất nước và thế kỷ của bà."
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9/9 đã gửi lời chia buồn chân thành tới chính phủ và người dân Vương quốc Anh. Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc nêu rõ: "Chủ tịch Tập Cận Bình, thay mặt chính phủ và nhân dân Trung Quốc, cũng như nhân danh cá nhân, bày tỏ lời chia buồn sâu sắc."
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ: "Là nguyên thủ quốc gia trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II được nhiều người mến mộ vì phẩm giá và sự cống hiến của bà trên khắp thế giới. Nữ hoàng Elizabeth II là người bạn tốt của Liên hợp quốc. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ hoàng vì sự cống hiến bền bỉ, suốt đời của bà trong sự nghiệp phụng sự nhân dân. Thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà."
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá: "Nữ hoàng Elizabeth II đã luôn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của những giá trị lâu dài trong thế giới hiện đại bằng sự phục vụ và cam kết của mình."
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được nhớ đến "như một nhà lãnh đạo kiên trung trong thời đại của chúng ta. Sự lãnh đạo của bà đã truyền cảm hứng cho đất nước và dân tộc của mình. Thật đau buồn trước sự ra đi của bà. Xin chia buồn với gia đình bà và người dân Vương quốc Anh."
Theo Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, "Nữ hoàng Elizabeth II là người phụ nữ định hình thế kỷ. Bà đã chứng kiến và viết nên lịch sử đương đại". Ngoại trưởng Đức Annalena Bearbock đánh giá: "Nữ hoàng Elizabeth II là nguồn sức mạnh mang lại sự tự tin cho đất nước của bà trong gần 100 năm. Nước Đức sẽ mãi biết ơn bà vì đã tiếp cận chúng tôi cho các nỗ lực hòa giải sau thảm họa Chiến tranh thế giới thứ hai"
Lãnh đạo Italy, Tây Ban Nha... cũng đã chia sẻ với Hoàng gia, người dân và nước Anh.
Theo phóng viên tại Rome, ngày 8/9, Tổng thống Italy Sergio Mattarella thay mặt cả nước gửi lời chia buồn. Nhà lãnh đạo Italy ca ngợi "trí tuệ và tinh thần trách nhiệm rất cao" của Nữ hoàng và trên hết là sự "hào phóng của tinh thần" mà bà đã cống hiến cuộc đời lâu dài của mình để phục vụ công dân Anh và đại gia đình Khối thịnh vượng chung.
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis cũng đã cầu nguyện cho sự yên nghỉ của Nữ hoàng, và để tri ân cuộc đời phục vụ không mệt mỏi của bà cho lợi ích của nước Anh và Khối thịnh vượng chung.
Chia sẻ trên mạng xã hội, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II là một nhân vật được thế giới quý trọng, đồng thời chia buồn đến toàn thể hoàng gia, chính phủ và người dân Vương quốc Anh cũng như Khối thịnh vượng chung về sự ra đi của bà.
Người đứng đầu Liên minh châu Phi, ông Macky Sall, đã mô tả Nữ hoàng Elizabeth II là nhân vật lừng lẫy của thế giới. Ông Sall, đồng thời là Tổng thống Senegal, cũng ca ngợi sự nghiệp đặc biệt của Nữ hoàng. Nhà lãnh đạo này viết: “Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Anh”./.