Trong câu chuyện của những vị cao niên, cách đây khoảng 600 năm, ở thôn Nga Mi Hạ xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai có bà Đàm Sứ, thấy Tràng Cát là vùng đất tốt tươi nên đã đưa con cháu xuống khai hoang lập địa rồi trồng lá dong. Lâu dần, người dân Tràng Cát học theo bà Đàm Sứ, biến lá dong thành cây trồng chính để phát triển kinh tế cho từng hộ gia đình.
Khác với trồng lúa, trồng màu, trồng lá dong không yêu cầu nông dân phải một nắng hai sương. Chỉ cần tưới nước, bón phân, làm cỏ, cắt lá sâu thì cây sẽ đẹp và tươi tốt, ươm một lần có thể cho thu hoạch vài năm. Thế nên ở Tràng Cát có đến hơn 300 hộ trồng loại cây này. Cận tết, màu xanh của lá dong tràn ngập đường làng, cuốn lấy bước chân của những người có dịp ghé lại nơi đây.
Đều đặn mỗi tháng, người Tràng Cát lại đi dọn chân lá một lần. Những lá xấu, bé bán cho người có nhu cầu gói thực phẩm, gói quà bánh. Loại lá này có giá rất rẻ, 100 lá chỉ khoảng 30.000 – 50.000 đồng. Đến khoảng tháng 9 người dân sẽ ngưng cắt, sau đó bước vào thời kỳ chăm thúc cây cho lá to và đẹp để phục vụ nhu cầu người dân vào dịp Tết Nguyên đán.
Ở thời điểm này, nhiều hộ gia đình cho biết, với mỗi bó 50 tàu, bán buôn cho thương lái ngay tại vườn sẽ có giá dao động từ 70.000 – 150.000 đồng, tùy theo chất lượng lá. Không khí nhộn nhịp “ăn lá dong, ngủ lá dong” sẽ bắt đầu từ rằm tháng chạp cho đến tận ngày 30. Bởi vậy mà trẻ con trong làng không đếm ngày đếm tháng để đợi Tết, mà chỉ nhìn trong vườn khi nào hết lá dong thì tức là xuân sắp sang.
Khoảng từ 20 tới 25 tháng Chạp là cao điểm của vụ thu hoạch. Xe ô tô về lấy lá chuyên chở đi các nơi, khung cảnh nhộn nhịp người xe qua lại chật kín đường làng. Không ít ngày đông khách, người trồng phải cắt lá, phân loại, xếp lá thành từng bó đến 11, 12 giờ đêm. Năm nay thời tiết mưa ẩm nên lá dong lên đều và đẹp hơn vì thế mà không khí của cả làng đều náo nức.
Cẩn thận xếp lá thành từng bó, bà Nguyễn Thị Phượng kể: “Lá dong Tràng Cát thuộc loại dong nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài phối sắc với màu thân lá, dễ phân biệt với loại dong rừng. Với chiều dài khoảng 50cm-60cm, chiều rộng 25cm-35cm lá dong nơi đây được nhiều vùng ưa chuộng lắm! Không ít người muốn đem giống về trồng ở các vùng lân cận nhưng không đạt được chất lượng như khi trồng ở vùng đất này”.
Xưa kia, lá dong Tràng Cát thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua. Ngày nay, lá dong nơi đây không chỉ phục vụ trong nước mà còn được xuất ngoại để phục vụ bà con người Việt ở nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Hải chủ cơ sở lá dong xuất khẩu Hải Phương Tràng Cát cho biết: "Lá dong mà bán ra nước ngoài thì phải được chuẩn bị kĩ càng, lá phải được cắt dài cuống, bó thật chặt, không nhúng qua nước mới tươi lâu và bền được. Hiện nay cả thôn Tràng Cát có khoảng 50-60 mẫu trồng lá dong. Gia đình trồng nhiều thì có tới 5-6 sào, nhà trồng ít thì cũng phải 1-2 sào. Hai năm trở lại đây, diện tích la dong của cả thôn có xu hướng tăng lên gần chục héc ta".
Nhờ có cây dong mà cuộc sống của người Tràng Cát cũng sung túc, ổn định hơn. Với 2 sào lá, sau khi trừ chi phí thì những hộ như nhà bà Phượng, ông Hải cũng có thu nhập hơn mười triệu đồng để sắm sửa cho ngày Tết. Cùng với cây cam cây bưởi, người dân nơi đây luôn bám đất, gắn bó với cây dong, tiếp tục gìn giữ và phát triển làng.
Dù không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng lá dong là “linh hồn” của Tràng Cát. Vì lẽ đó, người dân thôn Tràng Cát vẫn luôn hy vọng màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi dịp Tết đến, Xuân về.