Có niềm đam mê đặc biệt với cây cảnh, nghệ nhân Lê Thạnh (62 tuổi, ở phường Tam Kỳ, TP. Đà Nẵng) đã tìm tòi, nghiên cứu và tạo ra hàng trăm dáng thế bonsai ngược độc đáo, lạ mắt. Ông là người được xác lập kỷ lục Việt Nam với thú chơi ngược đời này.
Nghệ nhân Lê Thạnh đang chăm sóc những chậu bonsai ngược của mình. (Ảnh Huy Trường).Trong căn nhà rộng rãi của mình, ông Thạnh dành một phần lớn diện tích ở tầng trên để cho trưng bày hàng trăm tác phẩm bonsai ngược mà ông đã cất công sưu tầm, và tạo dáng trong nhiều năm qua. Hầu hết các tác phẩm của mình, ông rất trân quý nên không bán dù nhiều người trả giá cao.
Dẫn chúng tôi chiêm ngưỡng vườn bonsai của mình, nghệ nhân Lê Thạnh tỉ mỉ giới thiệu từng tác phẩm, cái đẹp và sự độc đáo riêng của nó.
Một chậu bonsai ngược có tán ngang mà Nghệ nhân Lê Thạnh vô cùng tâm đắc. (Ảnh Huy Trường).Ông đam mê chơi cây từ hồi còn thanh niên, lúc còn làm việc cho một ngân hàng ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam cũ. Niềm yêu thích đến với ông trong một lần tình cờ thấy một số thanh niên trong làng chở gốc cây đẹp đi bán.
“Tôi mua một cây về trồng để thỏa đam mê. Sau khi cho vào chậu, nhìn từ xa như một bức tranh núi rừng thanh thoát và mát mẻ. Niềm yêu thích bonsai đến với tôi từ đó. Tuy nhiên, do tính chất công việc phải đi nhiều, không có thời gian, nên chỉ dừng lại ở một số chậu cây cảnh lớn”, ông Thạnh chia sẻ.
Một châụ quất ngược độc đáo trong vườn bonsai của ông Thạnh. (Ảnh Huy Trường).Mãi đến năm 2000, ông chuyển về Tam Kỳ làm việc, nhà cửa ổn định và bắt đầu chơi bonsai. Cuối tuần, hoặc thời gian rảnh, ông tìm đến một số nhà vườn, hay về một số vùng quê để tìm mua những cây bonsai yêu thích.
Đặc biệt, trong một lần du lịch ở Đà Nẵng hồi năm 2010, ông thích thú khi nhìn một số cây mọc ngược, rễ bám trên vách đá phía trên, thân hướng xuống đất vẫn rất xanh tốt.
Ý tưởng trồng bonsai ngược của ông bắt đầu từ đó. Ông bắt đầu nghiên cứu, và thử nghiệm với những chậu bonsai nhỏ của mình. Sau thời gian kiên trì với thú chơi mới, những tác phẩm bonsai ngược độc đáo nhiều dần trong ngôi nhà nhỏ xinh của ông.
Để có những dáng thế bonsai ngược độc đáo, ông Thạnh trải qua quá trình tìm hiểu, chăm sóc, uốn nắn cây. (Ảnh nhân vật cung cấp).“Cây linh san trồng trong bình ủ rượu đã có hoa. Nhiều cây trồng ngược trong lu, chậu, bình gốm, ché rượu… đều phát triển rất tốt”, ông Thạnh hào hứng khoe.
Ông nói rằng, trồng bonsai ngược cũng không khó lắm, khi đã hiểu được quy trình phát triển của cây. Trồng ngược, cây sẽ không bị úng nước. Hơn nữa, hễ nơi nào có đất, có chất dinh dưỡng là rễ cây bám và sống được.
Ngọn cây lúc nào cũng hướng lên. Hiểu được đặc điểm này, thì trồng cây nào cũng sống, cây sẽ cong từ dưới lên trên tạo dáng thế đẹp.
Ông Thạnh còn là tác giải của 2 cuốn sách chuyên về trồng và chăm sóc bonsai ngược. (Ảnh Huy Trường).Còn về lá cây, khi trồng ngược, hay trồng bình thường, thì lá vẫn hướng bề mặt lên trên để quang hợp. Hoa thường hướng lên trên, nơi có ánh sáng mặt trời. Do đó, việc trồng bonsai ngược cũng đơn giản, khi hiểu được đặc tính phát triển của cây.
“Hơn 100 loại cây trong vườn này, đều được trồng ngược. Chúng phát triển bình thường, có dáng thế đẹp do mình uốn nắn. Từ cây mai, linh san, chanh, ổi…đều có thể tạo bonsai ngược” ông chia sẻ.
Ông Lê Thạnh sở hữu cho mình hơn 150 tác phẩm độc đáo bonsai ngược. Trong thời gian tới, ông dự định tiếp tục nghiên cứu để tạo nên những tác phẩm bonsai ngược kích thước lớn, và có sự độc đáo hơn.
Nghệ nhân Lê Thạnh được xác lập kỷ lục là người tạo tác các tác phẩm bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam. (Ảnh Huy Trường).Điều thú vị là trước đến nay, ông không bán, chỉ biếu tặng những người bạn thân tình của mình làm kỷ niệm. Với ông, đó là cả một niềm đam mê, sự sáng tạo không ngừng, và là niềm vui của tuổi già.
Tôi hỏi ông về giá trị của những chậu bonsai ngược, ông nói tùy theo kích cỡ và độ đẹp, độc, lạ của dáng thế mà giá trị khác nhau. Có thể mỗi chậu giá từ 5 triệu đến hơn 30 triệu đồng. Đó là sự định giá của những người trong hội cây cảnh cùng đam mê với ông.
Ngoài trồng bonsai ngược, ông Thạnh còn sở hữu nhiều cây cảnh độc đáo với tuổi đời hơn 100 năm. (Ảnh Huy Trường).Cũng tùy vào mắt người chơi, có người thích kiểu dáng đơn giản nhưng độc đáo, có người thích sự trù phú trong tác phẩm. Trước giờ ông hiếm khi bán cây cảnh, nên chỉ ước chừng như vậy.
Không chỉ trồng, ông còn viết sách để giới thiệu cho những người cùng đam mê hệ sinh thái bonsai ngược như mình. Cuốn sách “Bonsai ngược – các vấn đề về lý luận nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác” do ông viết đã được xuất bản năm 2021 – ghi lại quá trình tạo nên tác phẩm bonsai ngược của ông được giới chơi cảnh yêu thích, học hỏi.
Không chỉ chơi bonsai ngược, ông Thạnh còn có niềm yêu thích đặc biệt với cây cảnh. Trong khuôn viên nhà của mình, ông còn giữ nhiều tác phẩm bonsai độc đáo được sưu tầm trong nhiều năm. Trong đó, ông đặc biệt thích chậu sung hơn trăm năm tuổi, và một gốc cây linh san khô hình thù con trâu cũng có tuổi đời gần trăm năm tuổi.
Ông Thạnh tiếp tục tìm tòi, cho ra những tác phẩm bonsai ngày càng độc đáo. (Ảnh nhân vật cung cấp).Ông Thạnh tiếp tục tìm tòi, cho ra những tác phẩm bonsai ngày càng độc đáo. (Ảnh nhân vật cung cấp).“Những cây cảnh này, là cả một đam mê, một quá trình tìm tòi, uốn nắn. Tôi rất quý, nên có nhiều người trả cả trăm triệu vẫn không bán”, ông Thạnh chia sẻ.
Nhờ sáng tạo bonsai ngược, ông Thạnh được nhiều người trong giới chơi cây cảnh khắp nước biết đến. “Dị nhân bonsai ngược” hay “vua bonsai ngược” cũng gắn liền với ông. Niềm vui càng nhân lên gấp bội, khi ông được xác lập kỷ lục là người sáng tạo tác phẩm bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam vào năm 2020.
Ông tâm sự, kỷ lục đó như một sự ghi nhận, cũng là cú hích để bản thân quyết phá cách trong nghệ thuật bonsai, phát triển sang những hướng mới.