Đam mê mai vàng từ nhỏ
Tuy trẻ tuổi, nhưng anh Tuân đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng mai. Những tác phẩm của anh đạt tiêu chuẩn “cổ - kỳ - mỹ”, được giới chơi mai cảnh đánh giá cao, và được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, Nghệ nhân Ngô Mạnh Tuân là chủ vườn mai với hàng nghìn cây mai thương phẩm, và hàng trăm gốc mai bonsai nghệ thuật có giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Để có được sự thành công như ngày hôm nay, Ngô MạnhTuân đã trải qua không ít khó khăn. Nhưng nhờ niềm đam mê đặc biệt dành cho cây mai từ thủa nhỏ, đã giúp Tuân vượt qua và gắn bó với cây mai đến ngày hôm nay.
Tuân kể: Từ khi mới 7 – 8 tuổi, anh đã có tình yêu đặc biệt dành cho cây mai. Mỗi khi đi học về, mình thường lang thang ở bờ tre, góc vườn để tìm những cây mai con về tự trồng, chăm sóc chúng như một niềm vui và xem những cây mai như người bạn, hằng ngày có thể trò chuyện cùng với chúng. Đến khi học lớp 4, lớp 5 Tuân đã phụ cha mẹ trồng mai thương phẩm để bán trong dịp Tết.
Ông Ngô Tấn Tài, bố của Tuân chia sẻ: Tuân có niềm đam mê với cây mai đến lạ. Trong khi các bạn cùng trang lứa, mỗi khi đi học về là chơi những trò chơi của trẻ con. Còn Tuân thì khác, nó cứ đi lục lọi ở bờ bụi để tìm mai con về trồng rồi tỉ mẩn chăm sóc, uốn cây theo ý thích. Nhiều lúc thấy con như vậy cũng hơi lo, nhưng vì đam mê của con nên vợ chồng tôi cũng không ngăn cản.
Tuy niềm đam mê với cây mai rất lớn, nhưng vì một số lý do, khi học hết cấp 3, Tuân vào TP. Hồ Chí Minh để học nghề và làm việc ở thành phố với hy vọng cuộc sống sẽ đỡ khó khăn hơn so với làm nông. Tuy nhiên, công việc ở thành phố không suôn sẻ, sau nhiều đêm trăn trở, tình yêu dành cho cây mai trỗi dậy và anh quyết định về quê, “se duyên” lại với cây mai.
“Khi mới về quê, không có vốn đầu tư, trong vườn chỉ có hơn trăm gốc mai của cha mẹ nên gặp không ít khó khăn. May mắn là trong năm đó, tôi mua được vườn mai hơn 300 gốc của một người trồng mai lâu năm với giá rẻ. Tôi đã dành toàn tâm, toàn ý chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho cây. Cuối năm, tôi bán được một số vốn nên tập trung đầu tư và phát triển vườn mai như hiện nay.
“Thổi hồn” cho những gốc mai già
Mai vàng An Nhơn-Bình Định vốn nổi tiếng và có đặc trưng riêng là cây mang dáng trực, dáng long. Tuy nhiên, do thị hiếu của khách hàng thay đổi, chuyển sang ưa chuộng những cây maibon sai nghệ thuật. Vì thế, từ năm 2010, Ngô Mạnh Tuân quyết định chuyển sang trồng mai bonsai nghệ thuật.
Để tạo được những tác phẩm mai bonsai đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Tuân đã dành nhiều thời gian để học và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, tạo hình cho cây mai. Anh áp dụng kỹ thuật cắt tỉa, uốn cong và ghép chi để tạo ra những tác phẩm đạt tính thẩm mỹ cao.
Theo anh Tuân, hiện nay, để tạo ra một tác phẩm bonsai đẹp với bộ đế, gốc to thì dễ, nhưng để cây mai phát triển tốt, chơi được bền lâu, thì khâu chọn phôi rất quan trọng. "Tôi thường chọn những cây mai già, khoẻ mạnh mua về để cắt tỉa và ghép để tạo ra tác phẩm. Để có được cây mai bonsai phải phải mất thời gian ít nhất 2 đến 3 năm. Còn để có cây mai đẹp hoàn mỹ thì phải từ 5 năm trở lên", anh Tuân cho hay.
Cũng theo anh Tuân, so với trồng mai thương phẩm theo truyền thống ở An Nhơn, thì cây mai bonsai có giá trị hơn nhiều. Do vậy, để tạo một cây mai đẹp thì rất kỳ công, mất nhiều thời gian, có cây lên đến cả chục năm. Một tác phẩm bonsai giá trị, ngoài dáng thế độc đáo, thì phải có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi mới có thể đem lại kinh tế cao.
“Trồng được cây mai bonsai rất khổ công. Mua về cây không dáng thế, cắt hết các chi, cành chỉ lấy bộ đế rồi đem trồng sau đó mới ghép, chờ cho cây phát triển rồi mới uốn, tạo dáng. Do đó, người làm nghề bonsai phải có tính kiên trì, phải có kiến thức về sinh vật cảnh, am hiểu tập tính của cây mai. Từ những gốc mai già cỗi, khiếm khuyết, chết chi cành, để biến chúng thành cây bonsai, mình phải kỳ công chăm sóc, “thổi hồn” vào thì mới thành công”, anh Tuân chia sẻ thêm.
Cái khó hiện nay của trồng mai bonsai nghệ thuật là tìm được phôi đẹp. Trước đây, nghề trồng mai bonsai chưa thịnh, người dân bán chỉ vài trăm nghìn đồng một gốc mai có bộ đế to. Giờ đây, nhiều nhà vườn trồng bonsai nên giá rất cao và khó mua. Vì thế, giá bán của mai bonsai cũng cao hơn nhiều mai truyền thống nên rất kén khách hàng.
Để bán được nhiều mai, ngoài bán tại vườn thì anh Ngô Mạnh Tuân còn tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube để bán hàng. Hiện, anh Tuân sở hữu kênh Tiktok và Youtube có hàng trăm ngàn người theo dõi, anh cũng thường xuyên livestream để bán hàng. Mùa Tết, mỗi ngày anh bán được hàng chục cây mai bonsai với giá từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng. Nhờ đó, mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định từ cây mai.
Ông Phan Long Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho biết: Xã đã xây dựng được 6 hộ gia đình trồng mai cảnh, trong đó có hộ anh Ngô Mạnh Tuân đủ điều kiện phục vụ khách du lịch trải nghiệm theo mô hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đến những vườn mai này, du khách trong và ngoài tỉnh sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật mai cảnh. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật, tôn vinh và phát huy giá trị thương hiệu Mai vàng An Nhơn.