Thi công trụ cầu Suối Hộc trên tuyến dự án mở đường vào các xã lòng hồ bản Vẽ là Hữu Khuông, Nhôn Mai gặp nhiều khó khăn do cốt nước ngập cao hơn thiết kế (Ảnh: Thanh Hải)Ngốn từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng tại nơi có những đại dự án giao thông hiển hiện, đường vẫn chưa mở, cầu vẫn chưa thông. Người dân vùng hưởng lợi vẫn gặp muôn vàn khó khăn với cảnh bế tắc, cô lập.
Cầu chưa thông
Dự án mở đường vào các xã vùng lòng hồ bản Vẽ, là các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai (Nghệ An) sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Gọi là trọng điểm, bởi rằng, dự án có tổng mức đầu tư gần 429 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp chiếm hơn 345 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành, được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện điều kiện đi lại cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hơn hết, là hoàn thành tiêu chí xã “trắng” đường giao thông ở Nghệ An.
Dự án có tổng chiều dài 12,52km. Trên tuyến có 3 cây cầu lớn bao gồm Suối Hộc, Chà Lài 1 và Chà Lài 2.
Nhưng mãi cho đến nay, khi mà những tháng cuối cùng của giai đoạn I thuộc Chương trình MTQG 1719 sắp kết thúc, thì dự án vẫn còn loay hoay với hợp phần thi công cầu Suối Hộc nên chưa thể thông tuyến. Theo đại diện Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Nghệ An, hai cây cầu Chà Là 1 và Chà Là 2 đã cơ bản xong. Tuyến đường bộ dài hơn 10km đã thi công xong cốt nền. Vướng mắc còn lại là hợp phần cầu Suối Hộc đang thi công gián đoạn.
Cầu cứng Xiêng Thù xã Chiêu Lưu mới chỉ thi công được 2 nhịp, nằm kề liền cầu treo Xiêng Thù đã xuống cấp (Ảnh: Thanh Hải)Có tổng mức đầu tư ít hơn, dự án cầu cứng Xiêng Thù bắc qua sông Nậm Mộ ở xã Chiêu Lưu ngốn khoảng 48 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3/2024; sau khi hoàn thành sẽ thay thế cầu treo Xiêng Thù đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây cũng là dự án lấy nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG 1719 và cũng mang nặng sứ mệnh sẽ xóa thế bế tắc của các bản làng thuộc xã Bảo Thắng và xã Chiêu Lưu cũ (nay sáp nhập thành xã Chiêu Lưu).
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dự án mới chỉ thi công xong 2 nhịp. Nhìn từ trên cao, cứ có cảm tưởng cây cầu đã bị một nhát rìu phang làm đôi rất ngọt.
Sáng 16/7, khi có mặt tại công trình, chúng tôi nhận thấy nguyên vật liệu phục vụ thi công dự án nằm ngổn ngang dưới chân cầu. Nhiều chỗ, sắt thép đã bị đất, rác vùi lấp, hoen rỉ. Nhìn toàn cảnh, chúng tôi chỉ thấy một nhóm thợ chừng 5 người đang thi công.
Cách đó chừng mấy km, một cây cầu cứng bắc qua sông Nậm Mộ, với tổng mức đầu tư khoảng 44 tỷ đồng, nằm trên địa phận xã Hữu Kiệm, khởi công từ tháng 6/2024, nay cũng đang rất dang dở. Cả một cây cầu dài hàng trăm mét nhưng mới chỉ thi công đúng 2 nhịp ở phía tả ngạn, như chính số phận của cây cầu nằm trên địa phận xã Chiêu Lưu.
Đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào các bản Búng và Cò Phạt lầy lội mùa mưa (Ảnh: Thanh Hải)Hỏi Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm - ông Nguyễn Văn Long (ông Long đang kiêm nhiệm chức danh Giám đốc các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn cũ), được biết: Cả 2 dự án thi công cầu ở Hữu Kiệm và Chiêu Lưu thì đã giải phóng xong mặt bằng, nguyên vật liệu tập kết đủ rồi. Chủ đầu tư đã làm văn bản đôn đốc thường xuyên, nhưng tiến độ vẫn rất chậm.
Đường chưa mở
Đầu tiên phải kể đến tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi các bản Búng và Cò Phạt – thủ phủ của tộc người Đan Lai nằm giữa đại ngàn Vườn quốc gia Pù Mát.
Theo thiết kế phê duyệt tại Quyết định 1324/QĐ-UBND ngày 15/05/2023, dự án Nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Khe Búng có chiều dài tuyến thiết kế 18,743km và tổng mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng. Quy mô đường giao thông nông thôn cấp B miền núi, nền đường rộng 4m, mặt đường bê tông xi măng rộng 3m.
Dự án được chia thành 2 gói thầu xây lắp cho các đoạn tuyến như sau: Gói thầu xây lắp số 01 cho đoạn tuyến từ KM0+00-Km12+600; Gói thầu số 02 cho đoạn tuyến từ Km12+600–Km18+743.
Cầu cứng qua sông Nậm Mộ tại địa phận xã Hữu Kiệm đang thi công với tiến độ chậm (Ảnh: Thanh Hải)Khi hoàn thành, dự án này sẽ góp phần tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng giao thông miền núi, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cho người Đan Lai, đặc biệt là đảm bảo an ninh - quốc phòng trong khu vực. Hơn hết, còn nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người dân, giáo viên, học sinh... được lưu thông thông suốt, quan trọng nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão.
Hiện, dự án này mới cơ bản thi công gói thầu đoạn tuyến từ Km12+600 đến Km18+743,51 với chiều dài hơn 6,1km. Còn đoạn tuyến từ Km0+00 đến Km12+600 vẫn chưa thể triển khai thực hiện.
Vì lý do này, việc đi lại, giao thương trên con đường độc đạo này vô cùng khó khăn; có thời điểm “tắc nghẽn” do mưa lớn gây xói lở, trơn trượt. Ông Phan Hữu Thưởng - Cán bộ kỹ thuật Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông cũ (Ban này chưa có phương án sáp nhập, giải thể) cho hay: Cơ bản việc đi lại là đường thủy, bằng những con thuyền nhỏ vượt sông Giăng. Ngày nắng ráo thì có thể chạy xe máy, những rất vất vả. Còn mưa xuống trơn trượt thì đành chịu.
Trở lại với dự án mở đường vào các xã vùng lòng hồ bản Vẽ, tuyến đường này cũng vẫn đang chịu chung số phận chưa thể thông tuyến. Đại diện Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Nghệ An thông tin rằng, tuyến đường bộ đã cơ bản thi công xong nền đường và đã láng nhựa chừng 1km. “Đang chờ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh láng nhựa hoàn thành trước 30/9”. Tuy nhiên, do nằm cùng với hợp phần cầu Suối Hộc thi công dang dở. Thành ra, tuyến đường này vẫn chưa thể thông suốt.