Làng Mỹ Nghiệp tiếng Chăm gọi là Plei Caklaing, gồm hai khu phố 11 và 13 hiện nay. Toàn làng có 960 hộ với 4.633 nhân khẩu, trong đó có khoảng 450 hộ với trên 800 lao động gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.
Năm 2017, làng Mỹ Nghiệp được Nhà nước đầu tư trên 23 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày, đường vào làng nghề, hệ thống điện chiếu sáng, tạo sự khởi sắc trong đời sống khu dân cư Mỹ Nghiệp. Các gia đình dệt thủ công thổ cẩm với những họa tiết, hoa văn cổ truyền, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ngoài ra, làng Mỹ Nghiệp cũng có 22 cơ sở dệt công nghiệp với trên 100 cỗ máy sản xuất vải hoa văn phục vụ nhu cầu trang phục cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên. Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống và vải dệt máy sản xuất tới đâu được thị trường tiêu thụ hết tới đó, doanh thu làng nghề khoảng 15 tỷ đồng/năm.
Nhờ nguồn thu nhập chủ yếu từ nghề dệt kết hợp canh tác ruộng lúa và chăn nuôi gia súc, các gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang, nuôi con ăn học thành đạt. Tại Mỹ Nghiệp, nhiều người học hành thành đạt, có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, tích cực tham gia xây dựng làng nghề phát triển giàu đẹp.
Anh Phú Văn Ngòi, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết, doanh nghiệp hiện có 70 thành viên góp vốn kinh doanh 800 triệu đồng. HTX được sử dụng cơ sở sản xuất và trưng bày thổ cẩm do Nhà nước đầu tư phục vụ phát triển làng nghề. Tính riêng trong năm 2022, HTX thu hút trên 8.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mua sắm sản phẩm, doanh thu đạt 500 triệu đồng.
Năm 2023, HTX liên kết với Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đưa du khách đến tham làng nghề, phấn đấu mục tiêu thu hút 10.000 - 12.000 lượt khách tham quan mua sắm sản phẩm, doanh thu đạt 1 tỷ đồng.
Tại làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, các nghệ nhân cao tuổi như Đạt Thị Nam, Vạn Thị Thạng, Hán Thị Hai… đều sở hữu “đôi tay vàng” về dệt thổ cẩm và sáng tạo, khôi phục hoa văn cổ. Nghệ nhân Đạt Thị Nam chia sẻ, thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp chất liệu sợi được nhuộm màu từ các nguyên liệu tự nhiên nên rất đẹp và bền. Người Chăm dùng cây phun pan để tạo màu đỏ, cây maow tạo màu chàm, cây mun tạo màu đen, cây hla nalanh tạo màu vàng sậm, củ phun jieng tạo màu nâu.
Hoa văn thổ cẩm Chăm rất đa dạng, tạo nên nét đẹp đặc trưng của nghề dệt Mỹ Nghiệp. Các nghệ nhân chia hoa văn thổ cẩm dựa trên hình dạng do ông bà xưa truyền lại gồm: Các nhóm thực vật, động vật, đồ vật gần gũi với cuộc sống, được người xưa cách điệu thành hoa văn thổ cẩm. Đó là đậu ván, hạt nếp nổ, dây leo, bông mai, mắt gà, chân chó, mai rùa, con rồng, con trâu, răng cưa, hạt cườm... Trong đó có các loại hoa văn tiêu biểu như bingu tamun (hình quả trám) được dệt làm nền cho nhiều loại sản phẩm như khăn đội đầu, vải may áo, dây thắt lưng. Bingu manuis (hình người) hoa văn mô phỏng hình người dệt trên dây thắt lưng đàn ông. Bingu Bimong (hình tháp) được dệt trang trí viền áo. Bingu ganuer matrindik caguer (thần Siva cưỡi chim trĩ) được dệt làm tranh treo tường, túi đeo vai…
Từ nhiều năm nay, huyện Ninh Phước đưa làng dệt Mỹ Nghiệp vào chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm gắn với khai thác du lịch văn hóa. Các gia đình làng Mỹ Nghiệp chủ động truyền cho con cháu giữ nghề dệt truyền thống nhằm bảo tồn được di sản của dân tộc.