Sơn La là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong Chiến dịch này. Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: “Với mong muốn đưa người dân trở thành những lực lượng chính trong việc bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Sơn La cùng UBND huyện Mai Sơn kêu gọi toàn thể Nhân dân cùng nhau đoàn kết, tạo nên sức mạnh to lớn để góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt là cắt giảm các sản phẩm nhựa khó phân hủy”.
Việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong sinh hoạt còn được người dân cam kết và phát động tới toàn thể đoàn viên, thanh niên, Nhân dân trên địa bàn. Ông Lừ Văn Linh, Bí thư Đoàn xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết: “Tính đến nay, có hơn 200 cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên, Nhân dân xã Cò Nòi đã tham gia dọn vệ sinh nơi công cộng, thu gom rác thải nhựa khu vực đường trục chính, đường nội bản, liên bản. Gần 100% hộ gia đình ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa và sử dụng túi đi chợ nhiều lần”.
Tại các địa phương khác, phong trào “Làm sạch cho thế giới, hành động từ địa phương” cũng được triển khai mạnh mẽ. Ông Ngô Viết Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tỉnh Lạng Sơn đã kêu gọi và đề nghị các cơ quan, đơn vị, các tổ chức doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn thay đổi thói quen, tiến tới giảm thiểu, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần”.
Cụ thể, tỉnh đã hướng dẫn người dân thực hiện thu gom, phân loại ngay tại nguồn phát sinh để tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa. Tăng cường sử dụng các sản phẩm túi, đồ dùng nhiều lần thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hằng ngày, khen thưởng các tấm gương, mô hình hay trong công cuộc chống rác thải nhựa.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, tỉnh Lạng Sơn còn tổ chức quán triệt sâu sắc trong các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa... chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn, các vật dụng thân thiện với môi trường.
Làm cho thế giới sạch hơn là một trong những chiến dịch có quy mô trên phạm vi toàn cầu, thông qua Chiến dịch giúp tăng cường sự quan tâm của cộng đồng tới môi trường. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, củng cố xây dựng tiêu chí số 17 về môi trường tại các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Tính đến nay, phong trào đã và đang được triển khai tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, thu hút được hơn 10.000 người tham gia, đặc biệt tại miền núi, vùng DTTS người dân đã tích cực chung tay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên để phong trào thật sự đi vào đời sống người dân và trở thành thói quen sinh hoạt tích cực trong việc bảo vệ môi trường rất cần có cả sự nỗ lực của người dân và chính quyền trong việc giám sát, thực hiện cam kết, như vậy môi trường miền núi, vùng DTTS mới được đảm bảo, góp phần làm sạch cho thế giới từ địa phương.