Giữ hồn cho chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng với tuổi đời trên dưới trăm năm, thời gian qua đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân vùng sông nước Tây Đô. Đây cũng là một trong ít chợ nổi ở Việt Nam, còn duy trì các hoạt động mua bán tương đối nhộn nhịp, nơi đây không chỉ mua bán hàng hóa nông sản mà còn là sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ.
Hiện nay, có khoảng 250-300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản; khoảng 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. Hằng ngày, vào giờ cao điểm có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách du lịch tham quan. Qua đó tạo điểm nhấn, thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vui chơi giải trí phát triển.
Thế nhưng, nhiều vấn đề tồn tại trong khai thác chợ nổi nên bị đánh giá thiếu sức hút và khó níu chân du khách quay lại. Trong khi đó, bảo tồn hiện trạng, giữ chợ, giữ chân thương hồ đã là chuyện không dễ.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, chợ nổi Cái Răng chứa đựng giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện trong tập quán sinh hoạt, phương thức mua bán trao đổi hàng hóa rất đặc trưng của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng. Do đó, khi bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch chợ nổi, cần đặt lợi ích của thương hồ lên hàng đầu. Có thương hồ thì mới có chợ nổi. Vì vậy, mục tiêu tối cao là phải bảo tồn hoạt động giao thương và văn hóa chợ nổi. Nếu bảo tồn hiệu quả, ắt sẽ trở thành sản phẩm du lịch bền vững.
"Chợ nổi Cái Răng làm sao trong tương lai duy trì được một phần của chợ nổi tự nhiên, kết hợp với một phần của chợ nổi tự tạo. Chợ nổi tự tạo có sự hỗ trợ của Nhà nước, làm cho chợ nổi của chúng ta có điều kiện để tồn tại. Muốn vậy, đề án, cách thức bảo tồn của chúng ta phải thiết thực, đi vào căn cơ, bài bản, phù hợp với nguyện vọng của giới thương hồ." nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng.
Nỗ lực bảo tồn
Từ năm 2016, TP. Cần Thơ đã triển khai Đề án “bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” với kinh phí hơn 63 tỉ đồng, với mục tiêu bảo tồn và phát triển chợ theo hướng đầu mối trung chuyển hàng hóa nông sản của vùng ĐBSCL, phục vụ phát triển du lịch sinh thái và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm hỗ trợ thương hồ chợ nổi Cái Răng ổn định sinh kế, gia tăng thu nhập, như: hỗ trợ vốn vay, tổ chức thu gom rác trên sông bảo vệ môi trường, hỗ trợ nước sạch và trợ giá cho người dân chợ nổi… Trong đó, ưu tiên duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa như: tập huấn cho thương hồ các kiến thức và cách biểu diễn những bài đờn ca tài tử, kiến thức về các mô hình ghe, tàu để giao lưu, nói chuyện về văn hóa với du khách, duy trì mô hình trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi…
Ngoài ra, thành phố đang nghiên cứu các mô hình tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Việc tái hiện phải đúng với chất gốc chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay. Đồng thời, có thể thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước…
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, thời gian tới, sẽ tổ chức Hội thảo đánh giá, mời các chuyên gia trên mọi lĩnh vực nhằm tác động thực tế đến việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng. Phải liên kết các điểm chợ nổi tại ĐBSCL như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Năm, chợ nổi Ngã Bảy,.. để phát triển văn hóa đặc trưng của đồng bằng.
Sản phẩm mới lạ, độc đáo
Bên cảnh những nỗ lực của chính quyền địa phương, nhiều thương hồ gắn bó với chợ nổi, cũng có những sáng tạo độc đáo nhằm thu hút khách du lịch, góp một phần sức vào công cuộc bảo tồn chợ nổi.
Nhiều ngày qua du khách đến chợ nổi không khỏi thích thú với hình ảnh chiếc ghe bán bún riêu “full” hồng, nổi bật giữa mênh mông sông nước từ màu ghe; các vật dụng nấu ăn đến trang phục ông bà chủ đều là màu hồng. Đây có thể xem là sự sáng tạo trong cách làm du lịch của bà con thương hồ, tạo điểm nhấn với du khách gần xa. Chiếc ghe này là của vợ chồng anh Ngô Quốc Bảo và chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, đôi vợ chồng nhiều năm gắn bó với nghiệp thương hồ bán đồ ăn sáng trên chợ nổi.
Chị Linh cho biết, khi du lịch hồi phục sau đại dịch Covid - 19, với mong muốn tạo điểm nhấn thú vị cho du khách đến chợ nổi, cả 2 quyết định sơn lại chiếc ghe bán bún, với toàn màu hồng cho nổi bật. Để thu hút khách du lịch với hiếu kì mới lạ vì ghe nào cũng giống như nhau nên muốn sơn ghe cho có nhiều màu sắc, để khách du lịch có chỗ chụp hình. Mong du khách đến chợ nổi càng ngày càng đông để bà con buôn bán thuận lợi, chợ nổi sẽ ngày càng sung túc hơn.
Ý tưởng này đã khiến cho giữa cơ hồ ghe tàu nối đuôi nhau, nhưng chiếc ghe của vợ chồng anh chị vẫn không lẫn vào đâu được, tạo thành một điểm nhấn đặc sắc cho du khách tìm đến chợ nổi. Từ ngày được nhiều người biết đến, việc bán bún riêu của anh chị ngày càng khấm khá mỗi ngày anh chị có thể bán trên dưới 200 tô bún mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Rồi đây những sáng kiến mới mẻ, những mô hình độc lạ, cùng sự nhiệt thành của thương hồ vùng sông nước Cửu Long, sẽ làm nức lòng du khách phương xa, chợ nổi Cái Răng trăm năm tuổi sẽ luôn mới mẻ, trẻ trung với những sản phẩm du lịch ấn tượng.