Làm giàu từ sản vật địa phương
Đến Trà Lĩnh trong những ngày cuối năm, có thể thấy khắp các khu vườn của người dân nơi đây rực rỡ sắc vàng cam, quýt đang mùa chín rộ. Bà con nông dân phấn khởi, tất bật thu hái bán ra thị trường. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, cộng thêm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên năm nay, các vườn cam, quýt đều cho quả sai hơn so với các năm trước.
Quýt Trà Lĩnh là giống quýt nổi tiếng được trồng từ lâu đời, cho năng suất và chất lượng cao hơn so với các địa phương khác, được thị trường trong tỉnh rất ưa chuộng bởi độ chua ít, vị ngọt thơm đặc trưng, hàm lượng các chất dinh dưỡng cao, quả bóng đẹp, mọng nước. Quả chín kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Để có quýt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp bán từ nay đến Tết, người trồng quýt ở đây thường căng bạt cho cây để tránh mưa và sương giá.
Gia đình anh Bế Văn Doanh, xóm Niếng Noọc, xã Quang Hán có truyền thống trồng cây quýt từ lâu. Nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương tương đối phù hợp nên trong những năm qua, gia đình anh đã mở rộng diện tích từ 800m2 vườn ban đầu, mua thêm 1.300m2 đất vườn để trồng 160 gốc cam, quýt. Trung bình mỗi ngày, hai khu vườn của anh Doanh cho thu hoạch được khoảng 30 kg quýt, vào vụ cao điểm có thể lên đến 100kg. Những năm được mùa, được giá, trừ mọi chi phí, gia đình anh Doanh có thể thu về 150 triệu đồng tiền lãi. Bởi vậy, cây cam, quýt đã trở thành cây trồng chính của gia đình.
Theo người dân trồng quýt, trước đây, việc tiêu thụ quýt của người nông dân chủ yếu là tự vận chuyển ra các chợ bán lẻ. Nhưng từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ năm 2017, quýt Trà Lĩnh được nhiều người biết đến. Nhờ đó, việc tiêu thụ quýt của người dân thuận lợi hơn, thị trường đầu ra tương đối ổn định. Vào vụ, các thương lái trong và ngoài huyện đến tận vườn thu mua.
Năm nay, tùy kích cỡ quả quýt mà giá cả được chia làm nhiều loại. Giá quýt loại 1 quả to, đẹp giá khoảng 40.000 đồng/kg, quả nhỏ giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg; giá cam loại 1 quả to từ 50.000 đồng/kg. Càng gần Tết Nguyên đán, tùy thuộc nhu cầu của thị trường, giá quýt và cam cũng sẽ cao hơn. Thậm chí như năm trước, quýt bán vào dịp tết có giá gấp đôi ngày thường. Cùng với việc mở rộng diện tích đất trồng, cây quýt đã đem đến cho người dân xã Quang Hán nguồn thu nhập đáng kể.
Thời gian gần đây, các hộ dân tại địa phương đã đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc cây quýt theo quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, các vườn quýt đã phát huy giá trị, mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ 200 - 300 triệu đồng/vụ, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Đặc biệt, bà con thử nghiệm trồng thêm giống quýt đường cùng với giống quýt đặc sản địa phương để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.
Tạo “sức bật” cho người nông dân
Bà Lục Thị Cương ở xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) vui mừng dẫn chúng tôi đi xem đàn dê gần hai chục con béo mẫm. Bà bảo, nuôi dê dễ hơn nuôi trâu, bò, lợn, gà, bởi không phải cho ăn. Cứ sáng đến thả dê vào rừng, tối lùa về chuồng cho uống nước pha chút muối là được.
Những năm trước đây, gia đình bà Cương thuộc hộ nghèo trong xã, nhưng nhờ biết tận dụng tiềm năng, khai thác sản vật sẵn có của địa phương, cùng với sự hỗ trợ từ Chương trình viện trợ của Chính phủ New Zealand, gia đình bà được hỗ trợ giống để nuôi dê. Lúc đầu, bà được cấp 6 con dê, sau 2 năm, đàn dê nhân lên thì bán được 80 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo. Có lãi từ nuôi dê, bà Cương bắt đầu sắm sửa các dụng cụ thiết yếu trong nhà như tivi, xe máy, máy xát gạo, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn.
Cũng giống như bà Cương, thời gian mới lập gia đình (năm 2017), anh Hoàng Văn Học (xóm Bó Khôn, xã Quang Vinh) rất khó khăn về tài chính. Dù tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, nhưng anh Học không xin được việc làm. Trở về quê hương, anh tiếp tục làm các công việc đồng áng như trồng ngô, lúa, chăn nuôi lợn, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chỉ đủ ăn. Anh Học cho biết: Quang Vinh là xã vùng 3, đường đi lại khó khăn, dân trí thấp, tỉ lệ thanh niên không có việc làm rất cao. Nhiều người đi bốc vác, vượt biên làm thuê, một số không có việc làm nên chơi bời, lêu lổng và sa vào các tệ nạn xã hội.
May mắn khi xã Quang Vinh nằm trong vùng Dự án do ChildFund tài trợ, anh Hoàng được tham gia đánh giá nhu cầu đào tạo dựa vào nhu cầu việc làm thị trường. Năm 2018, qua một hội thảo về mô hình trồng cây chanh leo, giá trị kinh tế cao gấp 5 lần cây ngô, nhận thấy nhà mình có đất, lại được Dự án hỗ trợ 40% mua cây giống, 50% phân bón giai đoạn chăm sóc, được tập huấn, đào tạo về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, anh Học mạnh dạn đăng kí trồng 400 gốc chanh leo. Chỉ sau 5 tháng (từ tháng 9 - 12/2018), cây chanh leo đã cho thu hoạch, sau khi đã trừ chi phí, anh thu lãi 65 triệu đồng từ vụ chanh leo đầu tiên.
“Ở xã Quang Hán (huyện Trùng Khánh), có một nhóm thanh niên cũng tham gia mô hình này, họ trồng chanh leo trên 4.500m2 và thu lãi trên 60 triệu đồng. Nếu chăm chỉ, chịu khó, mô hình trồng chanh leo hoàn toàn có thể xóa đói, giảm nghèo. Em tin rằng, thời gian tới, sẽ có nhiều thanh niên tham gia hơn, giúp họ có thu nhập, hạn chế tình trạng vượt biên bốc vác”, anh Học chia sẻ.
Cũng theo anh Học, để thanh niên có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, rất cần sự hỗ trợ từ các dự án, các chương trình để thanh niên vùng sâu, vùng xa, phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương của mình.
Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết: Để tái cơ cấu trồng trọt theo hướng bền vững, các cấp, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển từng loại cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh Cao Bằng. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân, gắn với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đảm bảo việc làm cho người lao động sau học nghề. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa.