Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4,5 - 5%; trong đó, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt 75 - 78%, chăn nuôi 18 - 20%, dịch vụ 4 - 5%.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác nông nghiệp, nâng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích trung bình 220 triệu đồng/ha/năm, diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt 25% diện tích canh tác trong đó diện tích nông nghiệp thông minh đạt 1.000 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt 1.600 ha.
Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi, số hộ tham gia và 20% giá trị nông sản qua chuỗi, đến năm 2025 có 265 chuỗi với trên 26.700 hộ tham gia chuỗi, nâng tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 50% giá trị nông sản toàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng, điển hình của từng địa phương, phấn đấu tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh đạt 250 sản phẩm (230 sản phẩm cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp quốc gia)...
Tỉnh Lâm Đồng đầu tư hơn 72,3 tỷ đồng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lần lượt phân bổ vào năm 2022 gần 15,4 tỷ đồng, năm 2023 hơn 16,7 tỷ đồng, năm 2024 gần 20,2 tỷ đồng và năm 2025 hơn 20 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2022, toàn tỉnh triển khai đề án Nhập khẩu các giống hoa có bản quyền phục vụ sản xuất; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển lúa cao sản, lúa chất lượng cao với kinh phí 4,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với kinh phí 4,4 tỷ đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ thông minh; đánh giá công nhận mới các vùng nông nghiệp công nghệ cao...