Khi “sao” thản nhiên với Scandal
Có thể nói, nghệ sĩ là một nghề đặc thù, bởi những ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng. Do đó, ngoài tài năng, một “ngôi sao” chân chính phải bảo đảm đời tư trong sáng, cũng như có đóng góp cho xã hội. Với những tiêu chuẩn ngày khắt khe của khán giả trong việc đưa ra các tiêu chí thần tượng, nhiều nghệ sĩ ngoài tài năng đã giữ gìn hình ảnh bằng trách nhiệm với nghệ thuật và cách hành xử có văn hóa, chuẩn mực.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, thực tế vẫn còn một bộ phận giới trẻ chỉ quan tâm đến ngoại hình, giọng hát... mà quên rằng nghệ sĩ chân chính phải hội đủ cả tài và đức. Chính sự dễ dãi trong gu lựa chọn thần tượng của khán giả, là nguyên nhân khiến nhiều “sao” có suy nghĩ lệch lạc, sống buông thả, không có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.
Câu chuyện về lối sống buông thả của một số nghệ sĩ đã thành danh với những hành vi lệch chuẩn như ăn mặc phản cảm, phát ngôn trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí là những hành trái đạo đức, vi phạm pháp luật như công khai xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, khuyến khích những việc làm nguy hiểm cho xã hội hoặc quảng cáo sai sự thật… dường như đã trở những câu chuyện không hề hiếm gặp.
Tuy nhiên, điều đáng nói sau hàng loạt bê bối của người nổi tiếng bị phanh phui, là phản ứng mù quáng của một bộ phận khán giả. Vì thần tượng, người hâm mộ không ngại ngần bao che, tìm cớ hợp lý hóa cái sai, bất chấp bênh vực, bảo vệ thần tượng bằng mọi cách.
Trong Showbiz Việt, có thể nhắc tới vụ ồn ào mới đây của ca sĩ Hiền Hồ, khi lộ ảnh thân mật với một vị doanh nhân đã có gia đình. Thời điểm xảy ra Scandal, nữ ca sĩ đã lên tiếng xin lỗi khán giả vì bê bối đời tư của chính mình. Tuy nhiên, 6 tháng sau, khi vụ việc tạm thời lắng xuống, nữ ca sĩ đã "tái xuất" Showbiz khi liên tục biểu diễn tại các chương trình âm nhạc.
Bên cạnh nhiều chỉ trích, một bộ phận Fan đã bênh vực thần tượng, nhóm này cho rằng, khán giả chỉ nên quan tâm đến giọng hát, tài năng của Hiền Hồ, không nên quan tâm đến những ồn ào đời tư xung quanh. Và khi đã là Fan chân chính, họ sẽ luôn đứng sau, hậu thuẫn, bảo vệ “Idol” dù trong bất kỳ trường hợp nào.
Hay vụ ồn ào tình ái gần đây liên quan đến ca sĩ Jack. Nam ca sĩ bị bạn gái tố cáo chuyện có con với cô, nhưng không chịu thừa nhận; thậm chí còn có hành vi trái đạo đức. Trước làn sóng dư luận, nam ca sĩ trẻ cũng đã lên tiếng thừa nhận về những hành xử chưa đúng mực của mình. Vậy mà những người hâm mộ Jack vẫn một mực đứng về phía nam ca sĩ, sẵn sàng lên tiếng thay cho thần tượng, thậm chí là tấn công, mạt sát bất cứ ai lên án thần tượng của mình.
Văn hóa thần tượng đến mù quáng này của một bộ phận khán giả, chính là nguyên nhân khiến nhiều “sao” có suy nghĩ lệch lạc, tự cho mình được “quyền” sống buông thả, vô trách nhiệm, thậm chí là đưa đến hiện tượng “ngáo quyền lực”, một trong những căn "bệnh” của ngôi sao Showbiz mà đã được đề cập đến với tần suất dày đặc trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây.
Cần xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh trong giới trẻ
Thần tượng một ai đó là nhu cầu cơ bản của mỗi người. Tuy nhiên, việc quá dễ dãi trong văn hóa thần tượng, tôn thờ “Idol” tới mức tuyệt đối hóa hình ảnh của họ, để rồi sẵn sàng bảo vệ thần tượng, thậm chí có thể làm tổn thương người khác, tổn hại nhân cách bản thân, thì vấn đề văn hóa thần tượng cần được đưa ra can thiệp.
Còn nhớ câu trả lời của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu, khi được nhà báo Trần Minh hỏi về yếu tố kiên quyết để trở thành một nghệ sĩ thành công, chính là “đạo đức”. Bởi theo ông, tài năng mới chỉ là điều kiện cần, còn đạo đức mới là điều kiện đủ để kiến tạo nên một người nghệ sĩ thực thụ.
Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì suy cho cùng, những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật đa số là những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn. Bản thân các nghệ sĩ khi đã dấn thân vào con đường nghệ thuật, thì họ biết rằng lao động nghệ thuật chính là sự hy sinh, cống hiến cho xã hội, do đó càng cần phải cố gắng giữ gìn hình ảnh và thương hiệu của mình nhiều hơn.
Bàn về vấn đề này, theo Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghệ sĩ là những người nổi tiếng, những người của công chúng, mà cách ứng xử của họ có thể tác động tích cực hay tiêu cực đối với cộng đồng, đặc biệt là nhận thức của thế hệ trẻ. Khi đạo đức, lối sống của nghệ sĩ ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối, thì các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, cần tính toán đến các phương án để siết chặt hơn nữa chuẩn mực đạo đức văn hóa đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng bằng các quy tắc, quy chế, quy chuẩn.
Còn theo chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, để góp phần xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh, cần đặt vấn đề quản lý về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm xã hội của các nghệ sĩ cũng như có những chế tài xử phạt nghiêm đối với những nghệ sĩ sai phạm.
Theo nữ chuyên gia, dù có ở lứa tuổi nào, người hâm mộ cũng cần sự lý trí và hiểu biết. Mỗi người có thể thần tượng một ai đó, nhưng không thể bao che hay mù quáng trước những sai lầm của họ. Bởi với những nghệ sĩ có hành vi không chuẩn mực, vi phạm pháp luật, thì sớm muộn cũng sẽ bị pháp luật xử lý và công chúng quay lưng.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, kế hoạch hành động cập nhật thực thi chiến lược này nêu rõ: Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Quy định này của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ.