Hỗ trợ để các em đến trường
Tu Mơ Rông là huyện 30a, đồng bào Xơ Đăng chiếm trên 95%, đời sống của đồng bào Xơ Đăng nơi đây còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy điều kiện để chăm lo cho con em học tập không được đầy đủ như những địa phương khác. Thấu hiểu những khó khăn của các em học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành giúp các em học sinh đồng bào DTTS có điều kiện để đến lớp.
Trường Tiểu học Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông hiện có hơn 720 em học sinh là con em đồng bào Xơ Đăng theo học. Đa số các em học sinh nhà ở xa trường, để duy trì sĩ số học sinh, nhà trường phân công giáo viên phụ trách từng thôn, làng nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh. Từ đó, tuyên truyền, vận động kịp thời đối với các em học sinh nghỉ học.
Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà cho biết: Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì nhà trường còn thực hiện đầy đủ chế độ bán trú cho các em học sinh. Đối với các em học sinh không được hưởng chế độ bán trú thì giáo viên của trường đã tổ chức tự nấu cơm trưa miễn phí để giữ học sinh ở lại trường. Tiền nấu ăn do chính giáo viên đóng góp và sự ủng hộ của mạnh thường quân. Nhờ đó, không còn tình trạng học sinh nghỉ học.
Đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thấy học sinh đi học mà thức ăn mang theo còn thiếu thốn nên huyện đã khuyến khích các trường huy động nguồn lực nấu ăn miễn phí cho học sinh; tổ chức trồng rau, nuôi heo, gà để cải thiện dinh dưỡng cho học sinh. Các trường đã hưởng ứng và triển khai từ 3 năm nay. Việc nấu ăn buổi trưa miễn phí đã giúp giảm hẳn tình trạng học sinh bỏ học, từ đó nâng dần chất lượng giáo dục - ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.
Điểm trường thôn Jang Roong thuộc Trường TH&THCS Đăk Cấm, Tp. Kon Tum nằm cách điểm trường chính gần 6km. Với 98 học sinh là con em đồng bào Ba Na, Gia Rai theo học ở 5 khối lớp. Do điều kiện gia đình các em còn nhiều khó khăn nên không đủ điều kiện mua sắm đồ dụng học tập cho các em. Thấu hiểu được những khó khăn đó, thầy cô ở điểm trường thường xuyên sâu sát với gia đình của các em học sinh, tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của phụ huynh về việc chăm lo cho con em mình học tập. Thầy cô còn tự nguyện đóng góp và vận động các nhà hảo tâm mua thẻ BHYT, sách vở, quần áo, dụng cụ học tập cho các em học sinh.
Cô giáo Đỗ Thị Thùy Lan, giáo viên Điểm trường thôn Jang Roong chia sẻ: Các em ở đây thì điều kiện khó khăn, vì vậy ngoài việc làm tốt công tác giảng dạy trên lớp thì thầy cô luôn gần gũi và xem các em, gia đình các em như người thân trong gia đình. Qua đó, mình kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền, vận động kịp thời để phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con em.
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đăk Cấm, Tp. Kon Tum cho biết: Đối với Điểm trường thôn Jang Roong thì nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt, bố trí bàn ghế mới, đầy đủ đồ dùng học tập, máy vi tính để các em học tin học. Nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ lắp đặt một khu vui chơi cho các em. Với sự quan tâm của nhà trường và đặc biệt là các thầy cô ở điểm trường thì các em đi học rất chuyên cần, mỗi ngày đến trướng đối với các em thực sự là một ngày vui.
Cùng với đó, các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn xây dựng và mở rộng các mô hình, các cách làm hay như: “Bữa ăn trưa yêu thương”, mô hình “Bán trú dân nuôi” nhằm đảm bảo điều kiện cho học sinh ăn uống, học tập nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS, ngày 06/8/2021 UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện trong toàn ngành một cách đồng bộ, thống nhất. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng học sinh DTTS.
Thầy giáo Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo Tp. Kon Tum cho biết: Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ở vùng đồng bào DTTS thì Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố phối hợp tốt cấp ủy Đảng, chính quyền các xã phường trên địa bàn thành lập Ban chỉ đạo vận động học sinh ra lớp. Bởi duy trì tốt sĩ số học sinh ra lớp sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động thì nhận thức của cha mẹ học sinh trong chăm sóc, giáo dục học sinh đã có những chuyển biến đáng kể, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước và nhà trường.
Cùng với đó, các trường đã đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó, việc tăng cường tiếng việt cho học sinh DTTS được xem là một yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Cô giáo Phan Thị Đông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, xã Ngọc Bay, Tp. Kon Tum cho biết: Toàn trường có gần 490 học sinh, gần 100% học sinh là đồng bào DTTS. Để nâng cao chất lượng dạy và học thì nhà trường đã tăng cường dạy tiếng Việt cho các em. Ngoài ra, nhà trường còn bố trí nhiều góc đọc sách, trong đó có nhiều bộ truyện tranh song ngữ tiếng Việt và tiếng DTTS để giúp các em nâng cao khả năng đọc, viết. Bởi khi các em vững tiếng Việt thì việc tiếp thu bài sẽ dễ dàng hơn.
Em Y Hy Di, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn chia sẻ: Nhà trường đã xây dựng các góc thư viện và có nhiều loại sách, báo, truyện để chúng em có thể đọc mọi lúc như vào giờ ra chơi, hoặc đầu giờ học. Đọc sách giúp em nói năng lưu loát và tự tin giao tiếp với mọi người. Trên lớp thì thầy cô luôn quan tâm chỉ dạy tận tình nên khi đến trường học tập em cảm thấy rất vui.
Việc triển khai công tác nâng cao chất lượng học sinh DTTS đã có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước, hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, huyện đến cơ sở.
Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết: Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS có chuyển biến tích cực, một số mục tiêu như: Tỷ lệ trẻ DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, tỷ lệ trẻ DTTS 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ trẻ DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ trẻ DTTS 5 đến 6 tuổi được chuẩn bị điều kiện vào lớp 1 đạt và vượt mục tiêu; tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS, THPT có học lực từ trung bình trở lên tăng so với năm học trước; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT tham gia học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp hoặc đào tạo nghề đạt tăng từ 38,2% lên 50,8%.
Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giáo viên ở tỉnh Kon Tum đã tạo động lực để các em học sinh nơi đây nỗ lực, vượt qua khó khăn để học tập tốt hơn và hiện thực được ước mơ cho tương lai là trở thành người có ích cho xã hội, mang kiến thức về xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025, tỉnh Kon Tum đã tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình để đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường lớp học; thiết bị dạy học, cũng như hỗ trợ tạo động lực để học sinh DTTS đến trường.