Xin ông cho biết, thời gian qua, để những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS đi vào cuộc sống, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Đinh Quốc Tuấn: Việc triển khai những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS được tỉnh Kon Tum xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Thời gian qua, để những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS được triển khai thực hiện hiệu quả, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung lãnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện đảm bảo, đầy đủ và kịp thời các nội dung của chương trình, chính sách ngay từ khâu rà soát, xác định mục tiêu, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, địa bàn thực hiện; tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân và tình hình thực tế của địa phương.
Song song với công tác triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu chính sách đã ban hành để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, xác định triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 13 về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy. Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh các đơn vị, địa phương không ngừng nỗ lực thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã quan tâm ban hành và triển khai thực hiện những chính sách đặc thù gì đối với vùng đồng bào DTTS?
Ông Đinh Quốc Tuấn: Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách chung của Nhà nước đối với đồng bào DTTS, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cũng đã quan tâm ban hành và triển khai thực hiện những chính sách riêng của địa phương nhằm thúc đẩy toàn diện sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Tiêu biểu như: Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 02, ngày 06/5/2021 “về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 08, ngày 16/2/2022 "về Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum".
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 681, ngày 30/7/2021 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 3113, ngày 31/8/2021 phê duyệt kế hoạch “Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”.
Với việc triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương và địa phương thì đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Quốc Tuấn: Việc triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi theo hướng tích cực, từng bước nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS. Lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên. Cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đã được đầu tư kiên cố, đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt, sản xuất của đồng bào DTTS. Công tác giáo dục phát triển mạnh cả ba cấp học. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được chú trọng và triển khai sâu rộng. Bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc được giữ gìn, phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tính đến cuối năm 2022 toàn tỉnh còn 15.943 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn; trong đó, hộ nghèo DTTS là 15.215 hộ, chiểm tỷ lệ 95,43% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; dự kiến năm 2023 mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 4%. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đạt 58,8 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh đã có những giải pháp gì nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
Ông Đinh Quốc Tuấn: Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới; xác định công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, từng địa phương đảm bảo cho đồng bào DTTS khai thác được thế mạnh của địa phương nhằm phát triển kinh tế cho hộ gia đình và xã hội.
Giải quyết tốt vấn đề về đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất; có giải pháp thu hút đồng bào DTTS tham gia vào các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư vào sản xuất. Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS, nhà rông, văn hóa cồng chiêng... Tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững” nhằm thay đổi nếp nghĩ, giúp đồng bào DTTS tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!