Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho thấy, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Tác động của đại dịch Covid - 19 đã khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm rất chậm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, giá xuất khẩu xuống thấp, thậm chí có thời điểm phải “đóng băng”.
CMSC đã “điểm tên” những “ông lớn” đang gánh khoản lỗ nặng trong quý I/2020 do tác động của dịch. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) doanh thu quý I ước đạt 2.500 tỷ đồng, giảm 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 270 tỷ đồng, giảm 44 tỷ đồng so với cùng ký 2019. Tổng hợp doanh thu cả năm dự kiến sẽ giảm 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 1.800 tỷ đồng so với kế hoạch (giảm 48%) so với năm 2019.
Trường hợp của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), theo CMSC, doanh thu quý I của Vinafor đã giảm 143 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 114 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến cả năm, doanh thu của Vinafor giảm 1.159 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 234 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020.
Còn với 2 “ông lớn” khác là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), dịch Covid-19 đợt 1 trong những tháng đầu năm chưa tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng khi dịch quay trở lại (từ giữa tháng 7), dự kiến doanh thu năm 2020 của Vinafood 1 sẽ giảm từ 2.081 tỷ đồng đến 6.084 tỷ đồng, lợi nhuận giảm từ 91-110 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; Vinafood 2 tiếp tục khó khăn trong kinh doanh khi kết quả kinh doanh quý I/2020 lỗ 97 tỷ đồng.
Đối với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, áp lực về tài chính lãi vay đang là gánh nặng lớn nhất, khi doanh nghiệp vẫn phải duy trì các chi phí cố định, nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch Covid-19, từ tháng 3/2020, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đã có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ”, chính sách thuế (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất); chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động....
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi dịch Covid -19 đang có diễn biến phức tạp trở lại, vẫn có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ từ đợt dịch trước, như gói 16.000 tỷ đồng, gói 62.000 tỷ đồng… Hiện nay, sau khi hoạt động trở lại, chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ các gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì dịch tái bùng phát lần 2 càng khiến các doanh nghiệp hoạt động khó khăn hơn trước.
Tại Hội nghị trực tuyến đầu tiên của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức tháng 4/2020, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong 3 báo cáo gần đây trình Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu cụ thể các vấn đề tín dụng riêng cho doanh nghiệp nông nghiệp.
Bởi đây là lúc doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, mã vùng... Khi bình thường, có thể doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc này, nhưng lúc này có thể triển khai nhanh và hiệu quả, để tận dụng thị trường trong nước khi hàng nhập khẩu đang thiếu và sẽ là cơ hội để xuất khẩu nhanh chóng trở lại.