Từ lắng nghe, thấu hiểu
Vội vã từ trên rẫy về, ông Hồ Văn Sỹ, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) thay chiếc áo tươm tất rồi ra hội trường xã. “Hôm nay có Đoàn khảo sát về hiệu quả tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH và Ủy ban Dân tộc về, tôi phải ra gặp Đoàn khảo sát, nhờ các anh chuyển lời lên cấp trên: người DTTS quê tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cảm ơn đồng vốn ưu đãi giúp chúng tôi thoát dần ra khỏi đói nghèo”, ông Sỹ nói.
Sông Trà, quê ông là xã miền núi cao nằm ở phía Tây của huyện Hiệp Đức, với hơn 43% dân số là đồng bào Ca Dong (dân tộc Giẻ-triêng) và Mnông. Đường sá đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhưng người Ca Dong luôn mong đẩy lùi cái đói, cái nghèo. “Có tiền vay ưu đãi lãi suất thấp này tốt lắm, lại còn được Hội Nông dân tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, làm nương làm rẫy đỡ vất vả hơn, con bò, con lợn cũng sống tốt hơn”, ông Sỹ nói.
Lượng hóa bằng con số, 10 năm (từ năm 2007 đến tháng 5/2018) với tổng doanh số 56 tỷ đồng vốn giải ngân tín dụng chính sách trên địa bàn xã, giúp cho 521 hộ nghèo được vay vốn. Đặc biệt, có 256 hộ/283 hộ đồng bào DTTS vay vốn đầu tư phát triển nhiều ngành nghề như: chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng cao su, keo, đầu tư dịch vụ, buôn bán… và làm nhà ở, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
“Cây keo giúp bà con thoát nghèo, nhưng cây cao su sẽ giữ bà con DTTS ở Sông Trà thoát nghèo bền vững hơn. Mà loại cây trồng này đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn, thời gian đầu tư dài hơn. Chúng tôi mong các cấp hữu quan xem xét tăng hạn mức cho vay và kéo dài thời gian vay để đồng vốn thực sự phát huy hết hiệu quả của nó”, Chủ tịch UBND xã Sông Trà Nguyễn Hồng Sơn đề nghị.
Những lời tâm tình của ông Sự hay đề nghị của Chủ tịch xã Nguyễn Hồng Sơn cũng là những điều mà lãnh đạo NHCSXH luôn muốn tận mắt thấy, tai nghe trong hành trình khảo sát tổ chức thường xuyên hằng năm. Từ đó điều chỉnh khắc phục và kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Chính phủ để có những chính sách hợp lòng dân, gia tăng động lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của cả nước. Từ những hạn chế, bất cập của các chính sách cho vay trước đây, Chính phủ đã điều chỉnh mức cho vay tối đa của Chương trình tín dụng chính sách nâng lên bằng mức cho vay tối đa của Chương trình cho vay hộ nghèo (hiện nay là 50 triệu đồng/hộ). Thời hạn cho vay tối đa của Chương trình này lên 10 năm. Đặc biệt chính sách mới này đã gắn chặt vốn tín dụng chính sách với phương án sản xuất, kinh doanh của hộ vay và hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của đồng bào DTTS, tạo động lực thúc đẩy thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong việc xây dựng, cộng hưởng các chính sách có hiệu quả, tạo nên một mạng lưới 22 chương trình tín dụng “trợ đỡ” vào từng nhu cầu của hộ nghèo, đối tượng chính sách giúp họ an cư lập nghiệp, vun đắp tương lai cho con em mình từ cho vay hộ nghèo đến cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay con em các gia đình khó khăn có điều kiện học tập; cho vay nhà ở; cho vay giải quyết việc làm và XKLĐ. Ngoài ra, NHCSXH còn có các chương trình cho vay mang tính thời cuộc cấp thiết như: cho vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt ở miền Trung, làm nhà vượt lũ ở vùng ĐBSCL…; Từ kiến nghị của các địa phương, sau những dịp thiên tai lũ lụt, các giải pháp khoanh, giãn nợ và cho vay tái sản xuất kịp thời.
Đến những xiết tay đầy “sức mạnh”
Trong vai trò cầu nối các nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách, NHCSXH đã từng bước đề xuất các chính sách, kết nối cả hệ thống chính trị tham gia vào công cuộc giảm nghèo; tạo được sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách.
Với NHCSXH, được địa phương quan tâm hỗ trợ về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn, mức tăng ngày càng lớn. Song song với sự chủ động ủy thác của địa phương, hằng năm, với mô hình hoạt động của 10.932 điểm giao dịch xã tại 11.162 xã, phường, thị trấn trong cả nước đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay tại vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Trong 16 năm qua, Nhà nước đã huy động trên 200.000 tỷ đồng để dành cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo ra doanh số cho vay hơn 500.000 tỷ đồng. Qua đó, giúp hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,6 triệu lao động, hơn 3,6 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11 triệu công trình cung cấp NS&VSMT nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 540 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài… Đến nay, tổng dư nợ các Chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 184,7 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, xác định cuộc chiến giảm nghèo đang rất vất vả, không phải ngày một, ngày hai mà hoàn thành, đòi hỏi sự kiên trì cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng hành của cả cán bộ trong hệ thống NHCSXH. Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đặt nhiệm vụ với cán bộ NHCSXH là, tiếp tục kiên trì vận động bà con, hỗ trợ xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình để tạo động lực, kích thích bà con mạnh dạn vay vốn làm ăn. Một khi bà con còn nghèo, địa phương còn hộ nghèo thì chúng ta vẫn phải có trách nhiệm nỗ lực cùng bà con tìm ra giải pháp thoát nghèo”.
Chung tay cùng Chính phủ không để người nghèo bị bỏ lại phía sau, từ năm 2008-2018, NHCSXH thực hiện các hoạt động an sinh xã hội đối với cộng đồng, số tiền 159 tỷ đồng, trong đó: tặng quà cho hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ các gia đình gặp rủi ro do thiên tai, mưa lũ, bị sự cố về môi trường tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Nam Trung bộ, số tiền 144 tỷ đồng; thực hiện các chương trình an sinh xã hội khác, số tiền 15 tỷ đồng.
VIỆT HẢI