Tôi tìm tới câu lạc bộ soọng cô của xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đúng vào tháng 7, ngày mùa chăm lúa đang thúc bách, người trong làng hầu hết ở ngoài đồng lo đồng áng. Nhưng nghe thông báo, buổi chiều tối, câu lạc bộ lại hội họp hát soọng cô thì tổng số hơn 20 thành viên không vắng mặt người nào. Người dân tộc Sán Dìu rất ưa ca hát và nhiều người có giọng hát hay.
Chính đặc tính này đã khiến họ giữ gìn và bảo tồn được lối hát soọng cô cho dân tộc mình. Vì nếu không say mê, không yêu thích ca hát và khao khát gắn bó, sẻ chia, giao lưu tình cảm thì những canh hát soọng cô có lẽ đã mất dần theo đời sống mới với muôn vàn những điều hấp dẫn.
Bà Dự Thị Ngọc, nghệ nhân hát soọng cô, thuộc 300 câu hát cổ và giờ đây có thể truyền dạy được nghệ thuật này cho lớp trẻ và hạt nhân nòng cốt của câu lạc bộ hát soọng cô của xã Bình Dân. Bà Ngọc là vốn văn nghệ hiếm quý của nghệ thuật hát soọng cô, vì bà sinh ra tại Bình Dân, Vân Đồn - cái nôi của đời sống văn hóa Sán Dìu, tỉnh Quảng Ninh.
Mặt khác, cũng hiếm nghệ nhân như bà từ khi sinh ra đã được “tắm” trong phong trào văn nghệ làng. Bà được dạy cho hát bởi nghệ thuật chính gốc, chưa pha tạp và được hát trong chính những cánh hát soọng cô cả đời con gái, rồi lấy chồng, rồi trở thành bà nội, bà ngoại của dòng họ nhiều con cháu. Và bây giờ, bà truyền dạy lại cũng theo mô hình từ chính dòng họ, gia đình mình ra ngoài làng xóm. Đây chính là con đường căn bản để nghệ thuật dân gian sống mãi trong bối cảnh nhiều thiết chế văn hóa mới áp đảo làng bản dân tộc thiểu số như hiện nay.
Điều đáng mừng là thế hệ như bà Dự Thị Ngọc đã tái hội trở lại trong các câu lạc bộ hát soọng cô và sức hấp dẫn của nó lại tự nhiên lan tỏa. Trong câu lạc bộ này có anh Long Văn Năm - đã ngoài 40 tuổi và say mê hát soọng cô nên xin gia nhập câu lạc bộ. Anh cũng mới chỉ học biết hát nhưng chịu khó theo câu lạc bộ đi hát đối nhiều nơi, học thêm được nhiều phong tục tập quán của dân tộc mà mình chưa biết.
Chị Từ Thị Sinh, viên chức văn hóa xã Bình Dân còn rất trẻ, nhưng đã học hát soọng cô và tự tin so tài với các bậc cao niên trong làng, với cả các câu lạc bộ làng khác, tỉnh khác. Từ Thị Sinh nói: “Học hát không khó, duy trì được nét văn hóa này, duy trì được sự tiếp nối thế hệ, bảo tồn được nét đẹp của sinh hoạt văn hóa hát giao duyên mới là khó”. Người có giọng hát hay như chị Sinh thường được các bạn hát, các anh chị tặng cho biệt danh “sơn ca của làng núi, bản rừng”, rất hãnh diện.
Soọng cô là một kiểu hát giao duyên giữa nam và nữ, soọng cô là “xướng lên câu hát”. Bên nữ hát từng câu hát đối, rồi bên kia hát đáp lại, cứ hát đối đáp thế thông từ ngày qua đêm, lại qua ngày đến lúc nào mệt, tàn canh thì thôi. Hát soọng không có nhạc đệm. Những câu hát là câu văn vần, hoặc thơ tứ tuyệt. Nhưng cũng có nhiều bài biến tấu, câu dài, nhiều bài thơ có câu chuyện, có điển tích cổ. Về cơ bản, canh hát cũng vào chào, ra thì hát chia tay, hẹn gặp lại.
Trong canh hát có câu hát mời trầu, mời bánh, kể chuyện lao động sản xuất, canh tác, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, nỗi nhớ thương, tình cảm nam nữ, gia đình. Thường thì các đội hát từ làng này qua làng khác chơi để hát soọng cô vào những dịp lễ, tết, có đám cưới, có việc mừng.
Kỹ thuật cơ bản của lối hát chỉ có thuộc từng câu hát cổ, thuộc các làn điệu chính là có thể nhập vào canh hát. Khi hát, hai bên uống trà và ăn trầu, ăn trái cây, bánh tự làm. Lúc đến bữa mà canh hát chưa tàn thì nghỉ ăn uống rồi lại nhanh chóng tái hội. Người hát càng hát càng say nhau, ăn nhập từng lời, từng chữ, được tỏ bày tình cảm, sự nhanh trí, thông minh với nhau ở cách lắp vần chữ, chọn câu hát đối chọi nhau dí dỏm, có duyên, có câu hát hỏi lại có câu hát trả lời.
Câu nào cũng vần điệu, ví von, nói xa, nói gần, bày tỏ cảm xúc. Không khí các canh hát sinh ra tình cảm quấn quýt, không nỡ rời. Vì vậy mà ngày xưa, khi đi hát soọng cô, người Sán Dìu thường chờ đợi đến khi việc đồng áng đã vãn, lúc nông nhàn ra Giêng mới tổ chức đi hát. Mỗi lượt đi cũng phải cả tuần mới về.
Cái hay của hát soọng cô là muốn bảo tồn được nét văn hóa dân gian này thì buộc phải bảo tồn được không gian văn hóa, nét sinh hoạt làng trên, xóm dưới, giao lưu văn hóa kiểu chủ - khách, mời nhau qua lại như thế mới ra dáng một canh hát soọng cô. Cái lệ của chủ nhà - đội mời và khách - đội nhận lời mời cũng là phép ngoại giao giữa các làng, có lệ, có phép tắc hẳn hoi.
Vì vậy, vài năm gần đây, các tỉnh có nhiều người Sán Dìu sinh sống như Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn có nhiều câu lạc bộ gìn giữ văn hóa dân gian do chính những người Sán Dìu đứng ra thành lập với mong muốn tái tạo lại và bảo tồn các canh hát soọng cô. Họ nhận thức rõ, nếu không tái tạo lại được các nghi thức cơ bản của một canh hát soọng cô thì việc ghi chép và phổ biến các câu hát cũng không có ý nghĩa gì. Hay nói cách khác, việc hát lên các câu hát thuộc lòng theo lối cổ và làn điệu có sẵn cũng không phản ánh được hết nét đẹp của nghệ thuật dân gian hát soọng cô.
Có một nếp sống trọng tình, trọng những qua lại giao lưu thân hữu như vậy giữa các làng xóm người Sán Dìu.