Giao dịch việc làm Online
Để tìm kiếm cơ hội việc làm cho người hồi hương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) Online. Hàng tháng, Trung tâm đã tổ chức phiên GDVL cố định vào ngày 15 tại TP. Hà Tĩnh, ngày 20 tại Sàn GDVL Kỳ Anh và các phiên GDVL dành riêng cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn. Đây là cơ hội để người lao động, người hồi hương và doanh nghiệp gặp nhau, tạo cho nhau cơ hội để cùng giải quyết bài toán việc làm, phục hồi nền kinh tế trong đại dịch.
Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty may Haivina Hồng Lĩnh, Công ty CP May xuất khẩu MTV, Công ty CP TTH Hà Tĩnh, Công ty CP Gang thép Vũng Áng… với chỉ tiêu tuyển dụng hơn 3.000 lao động. Từ khảo sát thực tế nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương có giải pháp mang tính vĩ mô, tầm nhìn dài hạn cho vấn đề giải quyết việc làm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết, hàng tháng Trung tâm tổ chức nhiều cuộc GDVL trực truyến nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp găp nhau. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang có chủ trương thu hút thêm nhiều dự án, nhà máy trên địa bàn tỉnh là cơ hội lớn cho con em hồi hương có việc làm, sớm ổ định cuộc sống
Chỉ tính riêng ở huyện Đức Thọ, đã có gần 600 người từ các tỉnh thành phía Nam trở về. Theo khảo sát của chính quyền địa phương, phần lớn những người này làm nghề may công nghiệp, đóng giày, cơ khí… Để kết nối, tìm kiếm việc làm cho người lao động, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, giúp người lao động sau khi hoàn thành thời gian cách ly sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.
Hiện, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát lại, phân nhóm theo độ tuổi, chuyên môn nghề nghiệp cũng như tìm hiểu nguyện vọng của người lao động. Bên cạnh đó, huyện khảo sát, thống kê số doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, các ngành nghề cần tuyển, kết nối để giúp người lao động hồi hương và doanh đến được với nhau.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã gửi thông tin lao động hồi hương đến các sàn giao dịch việc làm, sàn tuyển dụng để tăng cường cơ hội sớm có việc làm cho người hồi hương, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Kêu gọi đầu tư, tạo việc làm mới
Chỉ tính trong tháng 7 và tháng 8/2021, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 18.850 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê. Việc làm, an sinh xã hội cho người hồi hương đang là bài toán khó, cần được từng bước tháo gỡ.
Trong nhóm giải pháp đang được Hà Tĩnh triển khai thực hiện, giải pháp kêu gọi đầu tư, tạo việc làm mới đang được các cấp các ngành thực hiện quyết liệt. Với kế hoạch trong năm 2021, Hà Tĩnh phấn đầu thu hút 150 dự án, với tổng mức đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết thêm được nhiều việc làm, như dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II.
Hay như dự án sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản chất lượng cao. Đây là dự án được triển khai ở các huyện ven biển Hà Tĩnh, có tổng mức đầu tư dự kiến 45 triệu USD. Khi dự án được triển khai và đi vào hoạt động, sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Đồng thời, phát triển thêm nhiều ngành nghề phụ trợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô… nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho con em trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh cũng ban hành chính sách để người hồi hương sớm có việc làm, ổn định cuộc sống. Ngày 17/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 403 về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 100.000 người, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 20.000 lao động.
Trong đó, tập trung ưu tiên tạo việc làm mới cho đồng bào DTTS. Ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động hồi hương có nhu cầu làm việc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ các chính sách cho công nhân, như: Chính sách về nhà ở, tiền lương, chế độ và điều kiện làm việc, điều kiện vui chơi, học tập cho con em người lao động… và các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm người lao động an tâm làm việc.
Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ với báo chí: “Tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm để người lao động trở về quê hương có việc làm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng lao động giải quyết việc làm cho người hồi hương”.
Vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho người hồi hương đang là vấn đề lớn, được nhiều địa phương hết sức quan tâm. Với phương châm “không để người hồi hương ở lại phía sau”, mỗi địa phương một cách làm, một giải pháp để nỗ lực cùng nhau giải bài toán việc làm, an sinh xã hội cho người lao động.
Đại dịch tuy đã giảm, nhưng chưa phải là dừng hẳn, người lao động cần phải nghiêm túc chấp hành các biện pháp về phòng, chống dịch bùng phát, đồng hành cùng quê hương vượt qua khó khăn.